Kinh tế số - cơ hội tạo đột phá trong phát triển

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang từng bước thúc đẩy và đưa kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Là địa phương có điểm xuất phát thấp, Hà Tĩnh xác định kinh tế số là cơ hội để tạo đột phá trong phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, địa phương tích cực tập trung cho chuyển đổi số, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm) để hình thành các nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Riêng về kinh tế số, dù mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng Hà Tĩnh đã đạt không ít kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

HTX chế biến thủy sản Phú Sáng đã đưa sản phẩm xuất ngoại nhờ chuyển đổi số.

Kinh doanh dựa trên nguồn lợi thuỷ, hải sản, HTX chế biến thủy sản Phú Sáng (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà còn đưa công nghệ số vào xây dựng tem, nhãn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của HTX tăng gấp 4-5 lần và thị trường mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Sáng – Giám đốc HTX phấn khởi cho rằng: Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ đã giúp HTX nâng cao giá trị, tạo chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường hiện nay.

Theo số liệu Cục Thống kê công bố, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 đạt 6,27%, năm 2023 đạt 7,2%. Trong đó, kinh tế số ngành lĩnh vực chiếm chủ yếu (như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, vận tải...).

Ông Đặng Văn Đức – Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông (Sở TT&TT) cho biết: "Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số như: Khai báo thuế, bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử, kế toán, quản lý kho, lưu trú trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tuyển dụng trực tuyến; an toàn, an ninh mạng, đào tạo nội bộ trực tuyến, chăm sóc khách hàng, quản lý công việc, nền tảng điện toán đám mây…

Cùng với đó, 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; 7.112 đơn vị đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử; hệ thống khai báo, thông quan điện tử; 100% tờ khai đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được khai báo trên hệ thống thông quan tự động; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử".

Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng điện thoại thông minh, internet để quảng bá sản phẩm đặc sản trên các sàn thương mại điện tử.

Hà Tĩnh cũng đang triển khai tốt các nội dung Chương trình SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; 100% các trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt...

Tuy đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu nhưng nhìn chung kinh tế số tỉnh Hà Tĩnh chưa đạt kỳ vọng đề ra. Theo các chuyên gia phân tích, việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh ở Hà Tĩnh chưa triệt để, chưa hình thành các quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Nguyên nhân là do kinh tế số có phạm vi rộng, liên quan nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thuộc nhiều cơ quan, đơn vị, trong khi công cụ giám sát, thu thập số liệu, đo lường giá trị tăng thêm của kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực và trong GRDP của tỉnh còn gặp khó khăn. Nhận thức, nguồn nhân lực, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) tham quan gian hàng giới thiệu giải pháp phát triển kinh tế số Hà Tĩnh (tháng 8/2024)

Để Hà Tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế số, chuyên gia Lê Đình Minh - Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) đề xuất, trước tiên địa phương cần thúc đẩy thương mại điện tử. Trong đó, cần có chính sách, huy động xã hội hóa hỗ trợ (đối với người nghèo, khó khăn) để 100% người dân có điện thoại thông minh (theo nghiên cứu, 91% người dân sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch); khuyến khích người dân bán hàng qua mạng sử dụng ứng dụng di động thay cho sử dụng web. Hà Tĩnh cũng cần triển khai trung tâm logistics, kho ngoại quan – Viettel Post để tiến tới kinh doanh trên phạm vi quốc tế. Mời các doanh nghiệp truyền thông số đào tạo miễn phí cho các cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ ở địa phương.

Để phát triển kinh tế số trong công nghiệp, cần phát triển khu công nghệ thông tin tập trung và phải có sự khác biệt; phát triển công nghiệp bán dẫn và điện tử. Chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp hiện hữu thành các khu, cụm công nghiệp thông minh.

Địa phương cũng cần chuyển đổi số nông nghiệp, trong hoạt động trồng rừng bán tín chỉ carbon; ứng dụng công nghệ IoT, blockchain... trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển các ngành giao hàng, chuyển phát nhanh; chuyển đổi số hoạt động quản trị và kinh doanh du lịch cho tất cả nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú; phổ cập và đa dạng hoá các dịch vụ số tiện ích sử dụng chữ ký số…

Trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định tỉnh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh; mở ra các mô hình kinh doanh mới, các giá trị kinh tế mới; triển khai các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói