Ký: Ngày 28 tháng 4…

DIỆP HỒNG PHƯƠNG

Sáng ngày 20 tháng 4 năm 1975.

Theo lệnh của Tư lệnh sư đoàn 25 bộ binh, chuẩn tướng Lý Tòng Bá, tiểu đoàn 1 trung đoàn 50 từ Gò Dầu, Tây Ninh lui binh về căn cứ Đồng Dù. Thiếu tá Lê Quang Ninh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 nhận nhiệm vụ phòng thủ căn cứ cùng với thiết đoàn 10 (thiết đoàn thiếu) gồm 40 xe tăng, thiết giáp và lính hậu cần các binh chủng trực thuộc sư đoàn.

Ở căn cứ Đồng Dù, thiếu tá Ninh nghe tiếng bom pháo nổ hướng Gò Dầu, nhìn máy bay phản lực gầm thét trên bầu trời sẩm màu, khói bốc cao, ông biết tình hình chiến sự phía bắc quốc lộ 22 đang chuyển biến rất nhanh. Mấy ngày trước, các cụm pháo Đồng Chùa, Cẩm Giang, Bến Mương, Lào Táo đã bị pháo binh quân Giải phóng bắn phá tan tành, nay chỉ còn cụm pháo Đồng Dù, pháo Củ Chi yểm trợ chiến trường. Chiến trường càng sôi sục, lòng thiếu tá Ninh càng nôn nao, lo lắng. Ông chờ gặp một người, chờ nhận một mệnh lệnh…

Từ trái sang: Ông Ba Cao đại diện Ban Binh vận R, ông Lê Quang Ninh đại diện Huyện ủy Trảng Bàng và đại diện Tỉnh ủy Tây Ninh (Ảnh 1975)

Năm 1964, Lê Quang Ninh thi đậu Tú tài tại Mỹ Tho. Anh là đảng viên hoạt động trong phong

trào học sinh, là con áp út của gia đình trung nông ở xã Đạo Thạnh, quận Châu Thành, các anh chị đều tham gia kháng chiến. Thi đậu Tú tài, Lê Quang Ninh như đứng ở ngã ba đường: nếu không theo các anh vô khu thì phải đi lính.

Mùa hè năm đó, nhận chỉ thị của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ông Mười Hòa, Trưởng ban Binh vận tỉnh, gặp tổ chức Đảng và Ninh bàn bạc việc hệ trọng.

- Lúc nầy cách mạng cần đưa người vào quân đội địch để làm binh vận. Tổ chức chọn cậu…

Đảng phân công, Ninh nhận lệnh. Ông Mười Hòa đưa Ninh vào Ban Binh vận tỉnh và triển khai phương án bí mật cài người vào hàng ngũ địch. Lê Quang Ninh nhập ngũ, huấn luyện tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức.

Cuối năm 1964, Lê Quang Ninh rời quân trường mang lon chuẩn úy, được điều động về sư đoàn 25 bộ binh đóng tại Hậu Nghĩa. Do sư đoàn 25 là sư đoàn chủ lực, vùng tác chiến xa Mỹ Tho, nên Ban Binh vận tỉnh giao Lê Quang Ninh về Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, có bí số H.110, trực tiếp với cán bộ mật giao Tư Nhẫn (Nguyễn Thị Nhẫn). Mười năm qua, chị Tư Nhẫn và Lê Quang Ninh gặp nhau theo quy ước. Lê Quang Ninh cung cấp thông tin và nhận nhiệm vụ từ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.

Chị Tư Nhẫn là người mà thiếu tá Ninh nôn nóng muốn gặp trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay.

Phải đến chiều, thiếu tá Ninh mới gặp chị Tư Nhẫn và nhận lệnh của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam: “Từ ngày 25 đến 28 tháng 4, phải tổ chức tiểu đoàn làm binh biến, về với cách mạng”. Lòng thiếu tá Ninh rạng rỡ, vui mừng vì mệnh lệnh nầy chính là “trận cuối cùng” mà ông chờ đợi hơn 10 năm nay, kể từ ngày mặc áo lính, tạo vỏ bọc vững vàng là sĩ quan một sư đoàn chủ lực. Nhưng ông thấy lo vì tiểu đoàn 1 đang là đơn vị trù bị nằm trong căn cứ. Làm sao tổ chức binh biến? Cách nào đưa tiểu đoàn thoát ra ngoài?

Ngày 23 tháng 4.

Từ hai hướng Phước Chỉ (Trảng Bàng) và Trung Hưng (Trung Lập Thượng), quân Giải phóng áp sát quốc lộ 22. Máy bay L.19 do thám bay trên bầu trời Trảng Bàng, Gò Dầu báo cáo đã nhìn thấy “Cộng quân”. Sư đoàn 25 bộ binh trách nhiệm hướng Tây Bắc Sài Gòn cần làm giảm áp lực của quân Giải phóng hướng Hậu Nghĩa, nên điều động tiểu đoàn 1 với 500 quân và thiết đoàn 10 gồm 40 xe thiết giáp, xe tăng lên áng ngữ Lộc Giang.

Rời Đồng Dù, thiếu tá Ninh “mở cờ” trong bụng. Trận cuối cùng là binh biến có nhiều khả năng thành công với các yếu tố: Quyết tâm của Lê Quang Ninh, sự ủng hộ của các đại đội trưởng thân cận và quan trọng là tình hình chiến sự thay đổi nhanh chóng, là thời cơ đã đến!

Về mặt tổ chức, thiết đoàn là cấp tương đương tiểu đoàn, do một thiếu tá chỉ huy. Chuyển quân lên Lộc Giang, tiểu đoàn 1 trở thành tiểu đoàn tùng thiết, thiếu tá Ninh nắm quyền chỉ huy trưởng, thiếu tá Tuấn thiết đoàn trưởng là chỉ huy phó.

Lộc Giang thuộc quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa nằm phía tây quốc lộ 1, giáp ranh với xã An Hòa, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lúc tiểu đoàn 1 và thiết đoàn 10 tiến vào Lộc Giang thì bên kia sông Vàm Cỏ Đông, xe tăng quân Giải phóng đang di chuyển, chuẩn bị vượt sông qua Phước Chỉ, Trảng Bàng.

Chiều 26 tháng 4.

Quân Giải phóng triển khai lực lượng, hình thành thế bao vây chia cắt các đơn vị quân đội Sài Gòn hai bên quốc lộ 22.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH thiết lập tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn, lấy tỉnh lộ 8 làm tuyến chính. Tại Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa có trung đoàn 49 và 1 tiểu đoàn địa phương quân; từ Củ Chi qua ngã tư Bari - Tân Quy bố trí trung đoàn 50, tiểu đoàn 329 chi khu Củ Chi.

5 giờ sáng ngày 28 tháng 4.

Trung đoàn 50 được lệnh rút về phòng tuyến Củ Chi. Tiểu đoàn 1 và thiết đoàn 10 rút trước, kế đến là tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3. Các đơn vị nầy sẽ được tái bố trí ngoài căn cứ Đồng Dù, theo tuyến phòng thủ dọc tỉnh lộ 8. Đây là cuộc triệt thoái chiến thuật giống như Quân đoàn 2 từng triệt thoái khỏi cao nguyên tháng trước.

Thiếu tá Lê Quang Ninh nhận thấy cơ hội ngàn năm đã đến, liền đưa tiểu đoàn 1 và thiết đoàn 10 trở mũi về Củ Chi. Để loại thiết đoàn ra khỏi cuộc lui binh, thiếu tá Ninh bàn với thiếu tá Tuấn, thiết đoàn trưởng, để cho bộ binh đi trước mở đường, thiết đoàn 10 đi sau cách 2 tiếng đồng hồ nhằm tránh pháo lớn của địch và giữ liên lạc qua máy truyền tin.

6 giờ 30, tiểu đoàn 1 hành quân về đến đình Gia Lộc, ấp Gia Huỳnh thì dừng lại. Thiếu tá Ninh thấy đây là địa điểm thuận lợi tổ chức ly khai phản chiến. Có 4 sĩ quan đại đội trưởng và các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn được mời họp. Bằng lời lẽ chân thành, thiếu tá Ninh phân tích tình hình chính trị Sài Gòn đang rất tồi tệ, tình hình chiến trường quân ta có nhiều bất lợi. Chiều ngày 26 tháng 4, Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đã chạy ra nước ngoài, Bộ Tổng tham mưu không còn ai, Quân đoàn và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã bỏ Long Khánh lui về Biên Hòa. Biệt khu thủ đô tướng tá đang rối rắm...

- Ta tiếp tục chiến đấu thì chiến đấu cho ai, có ích lợi gì? - Thiếu tá Ninh nói cương quyết -Tình hình nầy ta phải tự cứu lấy mình. Tôi yêu cầu các anh em cùng với tôi ly khai quân đội Việt Nam Cộng hòa, về với quân Giải phóng. Tôi sẽ bắt liên lạc với người của Mặt trận để đón tiếp…

Mọi người thấy bất ngờ, nhưng chẳng ai có ý kiến gì.

Thiếu tá Ninh thuyết phục tiếp và giới thiệu với mọi người ông là người của Mặt trận Giải phóng miền Nam, rất hoan nghênh những ai rời hàng ngũ, về với nhân dân. Sau khi đọc cương lĩnh Mặt trận Giải phóng, thiếu tá Ninh hỏi:

- Anh em có đồng ý phản chiến không?

Tất cả đồng loạt giơ tay, hô đồng ý.

Lê Quang Ninh lên danh sách ủy ban khởi nghĩa phản chiến gồm 6 người.

Đại úy tiểu đoàn phó Bùi Văn Nam Sơn, người tin cẩn của thiếu tá Lê Quang Ninh, được cử đi tiếp xúc với quân Giải phóng. Nhìn cánh đồng An Thành (xã An Tịnh) có nhiều lùm bụi xa xa, thiếu tá Ninh đoán biết ở đó nhất định có quân Giải phóng.

Đại úy Bùi Văn Nam Sơn và hai người lính đeo máy PRC.25, không võ khí, đem theo cái võng dù xanh, chặt cây tre cột võng lên, đi xe Jeep hướng về lùm cây bên kia đồng. Vô gần tới, thấy có người ra đón, vẫy tay chào. Đó là các cán bộ, chiến sĩ của một đơn vị thuộc Quân đoàn 3 quân Giải phóng.

Thiếu tá Ninh chờ không lâu, có điện đại úy Sơn báo ra “Tôi gặp quân Giải phóng rồi”. Vậy là ông ngồi xe Jeep, rời đình Gia Lộc chạy vô An Thành. Vô đến nơi, thiếu tá Ninh gặp chỉ huy đơn vị bộ đội, cấp trung đoàn, nói mình là H.110 cán bộ binh vận có nhiệm vụ làm binh biến, đưa binh sĩ về với cách mạng.

Ban chỉ huy trung đoàn tiếp nhận, điện báo lên cấp trên:

- Có một ông thiếu tá tự xưng là đảng viên ban binh vận, đưa tiểu đoàn ly khai về với quân Giải phóng. Giải quyết sao?

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 trả lời:

- Còn giải quyết gì nữa. Người của mình về với mình thì đón.

Lê Quang Ninh gọi máy ra ngoài. Anh em lần lượt vô An Thành bằng xe GMC. Đến 9 giờ ngày 28 tháng 4, tiểu đoàn 1 với 500 quân có mặt đầy đủ không thiếu một ai. Cuộc binh biến diễn ra thuận lợi. Nhiệm vụ chờ hơn 10 năm, nay hoàn thành thắng lợi.

Qua máy PRC.25, Lê Quang Ninh vận động các đơn vị bạn buông súng, ly khai với quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông gọi tiểu khu Tây Ninh, tiểu khu Hậu Nghĩa, chi khu Gò Dầu, chi khu Trảng Bàng; thiết đoàn 10, trung đoàn 46, trung đoàn 49, trung đoàn 50 thuộc sư đoàn 25 và điện đàm cả với bộ chỉ huy sư đoàn yêu cầu “tự cứu lấy mình”, buông súng để đỡ tốn máu xương.

Pháo từ Đồng Dù, Củ Chi lập tức bắn xối xả vào An Thành trả đũa cuộc binh biến của tiểu đoàn 1. Nhân dân An Thành nhường hầm, giao thông hào cho binh sĩ tiểu đoàn ẩn nấp tránh pháo. Pháo bắn tới tối thì dứt. Có lẽ đó là loạt pháo cuối cùng của “đồng đội” thiếu tá Ninh từ căn cứ Đồng Dù.

Lời vận động của Lê Quang Ninh đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần đang sa sút của binh sĩ sư đoàn 25 và các đơn vị địa phương quân Hậu Nghĩa, Tây Ninh. Sáng ngày 28 tháng 4, các đơn vị rút về tuyến phòng thủ Củ Chi còn nguyên, đến chiều tan rã từ từ. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 50 lui về rừng cao su cạnh chợ Củ Chi, tự tan rã sáng hôm sau.Thiết đoàn 10 của thiếu tá Tuấn rời Lộc Giang, chia ra từng tốp nhỏ ba bốn chiếc chạy về Chà Rầy, đâm thẳng Củ Chi. Có mấy chiếc bị quân Giải phóng bắn hạ.

Ngày 29 tháng 4, sư đoàn 316 quân Giải phóng tiến công Đồng Dù.

Thiết đoàn 10 bỏ phòng tuyến Củ Chi, chạy về kinh An Hạ, không qua cầu được nên các chiến xa tản ra đồng, binh sĩ bỏ xe chạy bộ về Sài Gòn.

Cùng ngày, tiểu khu Tây Ninh, chi khu Trảng Bàng, chi khu Gò Dầu tự tan hàng. Trung đoàn 49 và một số binh sĩ địa phương quân Đức Hòa lùi về tuyến phòng thủ của Biệt khu thủ đô, tan rã trên cánh đồng An Hạ...

Đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải phóng, báo Quân đội Nhân dân có đưa tin tiểu đoàn 1 trung đoàn 50 phản chiến về với cách mạng. Lê Quang Ninh nghe và nghĩ nếu gia đình nghe được tin nầy sẽ mừng lắm vì “thằng Ninh về rồi”.

Cuộc binh biến của thiếu tá Lê Quang Ninh, bí số H.110, ngày 28 tháng 4 năm 1975 ít người biết đến, hoặc có biết lại nhầm lẫn là ngày 28 tháng 4 năm 1975, có một thiếu tá tiểu đoàn trưởng, thuộc sư đoàn 25 dẫn quân ra “đầu hàng” quân Giải phóng.

Cuộc binh biến của H.110 là chiến công của đội vận động sĩ quan thuộc Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, được dày công tổ chức, 10 năm chờ đợi thời cơ và quyết định hành động trong khoảnh khắc ngắn ngủi góp phần làm tan rã nhanh chóng tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn, giảm hao tốn máu xương của biết bao người.

Tháng 4 năm 2011, bà Nguyễn Thị Nhẫn (Tư Nhẫn) nguyên Đội trưởng đội Vận động sĩ quan, Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam và ông Lê Quang Ninh, nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói