Lan tỏa giá trị cổ truyền trong đời sống hiện đại

(Baohatinh.vn) - Là một trong những địa phương giàu truyền thống văn hóa, thời gian qua, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng đời sống văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Qua đó, các giá trị văn hóa cổ truyền đã lan toả và được phát huy trong đời sống hiện nay.

Tiết mục “Trai phường chài, gái phường vải” của CLB Dân ca Tùng Lộc tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2018 (Ảnh: Giang Nam)

Can Lộc là một trong những cái nôi của dân ca ví, giặm với làn điệu hát ví phường vải Trường Lưu nổi tiếng. Để phát huy vốn quý của cha ông, thời gian qua, Can Lộc đã thường xuyên khơi dậy phong trào hát và sáng tác lời mới cho các điệu dân ca ví, giặm trong các khu dân cư, trường học. Thông qua các hội thi, liên hoan, các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng ở các khu dân cư, trường học, khối cơ quan, phong trào hát và sáng tác lời mới cho dân ca ví, giặm ở Can Lộc đã diễn ra rất sôi nổi. 23 xã, thị trấn đều có câu lạc bộ dân ca ví, giặm với đủ các lứa tuổi tham gia. Ở đó, thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ thường kỳ, các nghệ nhân cao tuổi đã truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, ở đâu, dân ca ví, giặm cũng được hát lên với niềm đam mê, với ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy của các thế hệ nhân dân.

Sự trao truyền từ các nghệ nhân cao tuổi tới thế hệ trẻ đã giúp quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm của Can Lộc đã giúp giá trị cổ truyền lan toả trong đời sống hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Huệ - quyền Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL huyện Can Lộc cho biết: “Không chỉ phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống hiện đại, chúng tôi còn rất nỗ lực trong việc sưu tầm, bảo tồn các làn điệu cổ. Sau khi sưu tầm được đầy đủ lời hát, chúng tôi sẽ tham khảo các cụ cao niên để dựng lại không gian diễn xướng của điệu hát và biểu diễn lồng ghép trong các hoạt động văn nghệ quần chúng, trong những buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua đó, giới thiệu rộng rãi với nhân dân, làm lan tỏa các giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống nhân dân”.

Những thành quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm thời gian qua đã giúp huyện Can Lộc tổ chức thành công Liên hoan dân ca ví, giặm năm 2018. Bên cạnh đó, hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ lớn nhỏ hàng năm đã giúp quần chúng nhân dân có cơ hội tiếp cận với cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn của dân ca ví, giặm, qua đó, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy vốn cổ trong đời sống xã hội hiện đại.

Đấu vật là một trong những môn thi đấu thể thao truyền thống được tổ chức thường niên ở xã Thuần Thiện trong các dịp lễ hội.

Chăm lo nâng cao đời sống tinh thần người dân, ngoài những hoạt động văn nghệ quần chúng, huyện Can Lộc còn chú trọng đến các hoạt động thể thao quần chúng. Thông qua đó, các môn truyền thống như đấu vật, cờ thẻ, thả diều, chọi gà, đẩy gậy, đua thuyền… đã được khôi phục và thu hút sự yêu thích của đông đảo nhân dân. Chị Trần Thị Hà - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Can Lộc cho biết: “Hàng năm, nhân các lễ hội đầu xuân, các sự kiện văn hóa, tại 23 xã, thị trấn đều rộn ràng các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống. Trong đó, nhiều môn thể thao đã trở thành thương hiệu của các xã như: Vật Thuần Thiện; kéo co, cờ thẻ thị trấn Nghèn, Xuân Lộc, Khánh Lộc; chọi gà Thiên Lộc; đẩy gậy Thường Nga,… Điều đáng chú ý là, càng ngày các bộ môn này càng hấp dẫn giới trẻ. Ở một số xã, đã hình thành các tổ, đội thường xuyên sinh hoạt, tập luyện. Tinh hoa của các bộ môn cũng được trao truyền giữa các thế hệ để tiếp tục lan tỏa trong xã hội”.

Tin liên quan:
  • Vui như lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh!

    Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được tổ chức trong niềm vui chung 73 năm thành lập nước (2/9/1945 - 2/9/2018). Kết thúc lễ hội, giải nhất đã thuộc về đội thuyền thôn Xuân Nam, giải nhì thuộc về thôn Tân Hải...

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói