Lao động Hà Tĩnh kể chuyện xây sân vận động World Cup 2022

(Baohatinh.vn) - Anh Hoàng Văn Trình (sinh năm 1983, trú tại thôn 6, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những người đầu tiên trong xã đi xuất khẩu lao động ở Qatar. Sau nhiều năm miệt mài lao động, năm ngoái, anh trở về quê lập gia đình, xây nhà từ số tiền tích góp được.

Anh Trình làm việc tại công trường sân vận động Al Bayt ở thành phố Al Khor, Qatar để phục vụ World Cup 2022. (Ảnh: NVCC)

Cưới vợ vài tháng thì có tin vui, do khó kiếm việc ở quê nhà, tháng 8 năm ngoái, anh xách vali trở lại đất nước vùng Vịnh làm công nhân kết cấu thép cho Tập đoàn Công nghiệp Frijns của Hà Lan.

Những ngày này, hòa chung không khí World Cup ở nước Nga, anh Trình cũng hào hứng chia sẻ trên mạng xã hội những hình ảnh về các hạng mục chuẩn bị cho World Cup 2022 ở Qatar, bản thân anh cũng góp một phần sức lực nhỏ bé trong những công trình khổng lồ ấy.

Giọng tươi cười qua điện thoại, anh kể xa quê rất nhớ vợ con, song vì miếng cơm manh áo nên cố gắng làm việc để sớm trở về chăm lo cho tổ ấm. Thỉnh thoảng gọi điện về quê, người thân hỏi có được xem bóng đá không, anh đáp không những được xem, mà dặn họ 4 năm tới sẽ được tận mắt chứng kiến các cầu thủ nổi tiếng thi đấu trên sân vận động mà mình từng đổ mồ hôi thi công.

Anh Trình cho hay, công ty anh vừa hoàn thành công trình thi công ga tàu điện ngầm, các công nhân hiện đang tham gia thi công sân vận động Al Bayt tại thành phố Al Khor để phục vụ World Cup 2022.

“Đây là một sân vận động lớn, với sức chứa 60.000 chỗ ngồi, dự kiến là nơi diễn ra các trận đấu ở vòng bán kết giải vô địch bóng đá thế giới 4 năm tới. Công trình lấy ý tưởng từ một chiếc lều bạt khổng lồ của người dân du mục, thiết kế sân được xem như biểu tượng của văn hóa và truyền thống Qatar”, anh Trình nói.

Bên ngoài công trường xây dựng sân Al Bayt. (Ảnh: NVCC)

Khán đài sân Al Bayt đang dần hoàn thiện. (Ảnh: NVCC)

Lao động người Hà Tĩnh chia sẻ, “đất nước sa mạc” hiện đang vào mùa nắng nóng cao điểm, nhiệt độ có lúc lên đến hơn 50 độ C nên việc thi công rất vất vả, công nhân phải chia ca làm việc, đặc biệt tránh khoảng thời gian giữa trưa, từ 11h đến 15h.

Tại công trường xây sân vận động, nhà thầu sử dụng chủ yếu là kết cấu thép to, nặng hàng nghìn tấn. “Nhiều lúc phải đưa các khấu kiện thép từ dưới đất lên mái cao 50-80m, nên việc thi công đòi hỏi phải cần thợ giỏi và có kinh nghiệm mới làm được”, anh Trình cho hay.

Từng làm việc cho nhiều công ty ở trong và ngoài nước, song nam công nhân người Việt rất ấn tượng với quy trình làm việc của các nhà thầu ở Qatar. Các công trình xây dựng ở đây rất đồ sộ, được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt từ chất lượng thi công cho đến vấn đề an toàn lao động.

“Đặc biệt, chế độ thưởng, phạt của họ rất rõ ràng. Đơn vị nào làm vượt tiến độ nhưng đảm bảo chất lượng và an toàn được thưởng rất hậu hĩnh. Ngược lại, đơn vị nào làm chậm tiến độ thì bị phạt rất nặng”, anh thông tin thêm.

Anh Trình trong lần về nước năm ngoái. (Ảnh: Đặng Phương)

Theo người đàn ông 35 tuổi, công ty anh đầu quân đang ký hợp đồng với hàng trăm lao động quê Hà Tĩnh, chủ yếu đến từ huyện Cẩm Xuyên. Nhìn chung, cuộc sống của người Việt Nam ở đây tương đối ổn định, họ được trả lương theo năng suất lao động với mức từ 17-18 triệu đồng mỗi tháng.

Công nhân thuộc biên chế của công ty mỗi năm được về phép 21 ngày, các loại chi phí như tiền ăn, ở và các khoản phí sinh hoạt như tiền điện, nước được đều được đơn vị sử dụng lao động chi trả. Trong thời gian về vẫn hưởng nguyên lương và được bao trọn tiền vé máy bay cả đi lẫn về.

Anh Trình cũng xác nhận, năm ngoái Qatar gặp bất ổn về ngoại giao, nhưng cuộc sống của các lao động không hề bị ảnh hưởng. Bản thân tâm lý rất thoải mái, rất hào hứng và muốn đem mồ hôi công sức của mình góp phần xây dựng các hạng mục cho ngày hội của bóng đá thế giới ở Châu Á 4 năm tới.

“Làm việc tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, tôi tin họ có đủ tiềm lực tài chính và đã lên phương án để đối phó với những tình huống bất trắc. Bản thân mình chỉ cần lo hoàn thành công việc thật tốt là được rồi”, anh Trình nói.

Hình ảnh mô phỏng sân vận động Al Bayt sau khi hoàn thiện. (Ảnh: Neoscape, Inc)

Năm 2010, Qatar vượt qua các đối thủ Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để giành quyền đăng cai World Cup 2022 trong nhiều hoài nghi. Đây là lần đầu tiên đất nước dầu mỏ vinh dự được đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.

Do lo ngại vấn đề nắng nóng vào mùa hè ở Qatar, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã quyết định lui các trận đấu tại VCK World Cup 2022 ở nước này đến tháng 11 và 12. Cụ thể, kỳ World Cup tại Qatar sẽ khai mạc vào ngày 21/11/2022, kết thúc ngày 18/12, tức chỉ diễn ra trong 28 ngày – ít hơn 4 ngày so với thường lệ. Lần đầu tiên trong lịch sử, một vòng chung kết giải Vô địch bóng đá thế giới được diễn ra vào mùa đông.

Trước đó, tháng 6/2017, Qatar bị các nước láng giềng cô lập, dù vậy, hiện nền kinh tế Qatar vẫn tăng trưởng tốt. Tại Đối thoại Shangri-La hôm 3/6 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammed Al Attiyah khẳng định một năm sau khi bị các nước láng giềng phong tỏa kinh tế và vận tải, Qatar đã nổi lên “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Theo CNBC, ông Al Attiyah cho biết, việc sản xuất các sản phẩm quốc gia, bao gồm thuốc và thực phẩm đã tăng lên, mặc dù ông Al Attiyah không nói rõ thêm về sản lượng cụ thể. Qatar đã chi hàng tỷ USD cho kế hoạch đăng cai World Cup 2022, bao gồm xây dựng 9 sân vận động và nhiều cơ sở vật chất.

Chủ đề World Cup 2018

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói