Theo nguồn tin ban đầu, 4 đối tượng này không phải là người thuộc các công ty đang thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Các đối tượng này thuộc một doanh nghiệp không được cấp phép nạo vét như các công ty nói trên.
Với mục đích hạ uy tín và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty kia, các đối tượng này đã nhắn tin đe dọa đến các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để dồn sự chú ý của lực lượng chức năng nhằm vào các công ty kia cho “bõ tức”.
Dự án khai thác cát trên sông Cầu qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã tạm dừng. |
Trước đó, chiều 16-3, tỉnh Bắc Ninh đã có cuộc gặp các cơ quan báo chí để thông tin về vụ việc cán bộ tỉnh này bị đe dọa sau khi dừng các dự án nạo vét lòng sông Cầu.
Quá trình triển khai dự án đã xảy ra việc lợi dụng để khai thác cát trái phép. Ngày 1-3-2016, tại vị trí K74+400 – K74+500 đê hữu sông Cầu đã xảy ra sạt lở đứng với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi 5 – 10m. Tỉnh Bắc Ninh đã phải bố trí 30 tỷ đồng để xử lý sự cố.
Có thời điểm, trên địa bàn dự án nạo vét luồng có 40 tàu hoạt động gây mất an ninh tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định, không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần kiến nghị tạm dừng triển khai dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau đó, một số cán bộ, lãnh đạo sở ngành và Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe doạ, vì "dám" dừng dự án khai thác cát, nạo vét luồng lạch tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu!?.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã yêu cầu Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an vào cuộc để làm rõ.
Công an tỉnh Bắc Ninh đã lập ban chuyên án điều tra các trường hợp nhắn tin đe dọa.