Xu hướng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên đang lan rộng. Ảnh: Chí Hùng . |
Trong thông báo mới nhất, ABBank cho biết ngân hàng đang áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất cho vay chỉ 5,5%/năm với các khách hàng vay vốn ngắn hạn bằng VNĐ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất này sẽ được ngân hàng áp dụng đến hết năm 2023 với tổng hạn mức 350 tỷ đồng. Theo đại diện ABBank, chương trình ưu đãi lãi suất này được đưa ra trên cơ sở hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về việc giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Ngày càng nhiều ngân hàng giảm lãi suất
Trong đó, ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân cho các khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đây đã là gói cho vay giảm lãi suất thứ hai mà ABBank áp dụng trong giai đoạn cuối năm nay. Trước đó, nhà băng này cũng đã đăng ký tham gia cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Đến cuối tháng 11, đã có gần 100 khoản vay với tổng dư nợ trên 200 tỷ đồng được ABBank cho vay giảm lãi suất 2%/năm.
Tương tự, SHB cũng tuyên bố giảm lãi suất cho vay tối đa 2%/năm cho các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm… Chương trình áp dụng đến hết năm 2022 với tổng dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà băng này còn miễn, giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân để giúp khách hàng tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cận Tết.
Từ ngày 6/12/2022 đến 31/1/2023, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có khoản vay và giao dịch chính tại ACB (bao gồm mở tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm lãi suất vay. Trong đó, gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng với riêng nhóm khách hàng mới là 4.000 tỷ đồng.
ABBank là ngân hàng thương mại mới nhất tuyên bố giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm và áp dụng đến hết năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thực tế, ABBank, SHB và ACB chỉ là ba nhà băng mới nhất trong số hàng loạt ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm.
Trước đó, LienVietPostBank, HDBank, Agribank, Vietcombank… đều đã đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới trong giai đoạn cuối năm.
Trong đó, mức giảm lãi suất phổ biến vào khoảng 1-2%/năm, riêng HDBank tuyên bố giảm lãi suất tối đa 3,5%/năm với khách hàng cá nhân và 2,5%/năm với khách hàng doanh.
Một nhà băng 100% vốn ngoại cũng tham gia đợt giảm lãi suất này là Shinhan Việt Nam. Trong đó, nhà băng này cho biết đang triển khai giảm lãi suất với khách hàng doanh nghiệp có dư nợ tại ngân hàng và hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh cuối năm. Mức giảm lãi suất đối với các khoản vay bằng VNĐ là 0,9-1,3%/năm, tùy vào thời hạn vay và giảm 0,6%/năm với khoản vay bằng ngoại tệ (cho kỳ hạn 1-6 tháng). Chính sách giảm lãi suất được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn (cho vay vốn lưu động).
Đằng sau xu hướng giảm lãi vay
Thực tế, xu hướng giảm lãi suất cho vay của một loạt ngân hàng kể trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ, NHNN liên tục phát đi thông điệp về việc yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Lãnh đạo NHNN cho biết đã chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) họp bàn với các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết hiệp hội đã tổ chức cuộc họp với tất cả thành viên và thống nhất không tăng lãi suất huy động lên quá cao vào dịp cuối năm. Qua đó, góp phần giảm lãi suất cho vay ra.
Ngày 12/12, Thủ tướng đã ký công điện gửi NHNN liên quan hoạt động cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng.
Theo giới chuyên gia, đợt giảm lãi suất lần này của các ngân hàng bên cạnh mục tiêu thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, còn đến từ việc cơ quan quản lý tiền tệ đang ưu tiên phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng theo mức độ tham gia giảm lãi suất của các nhà băng.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết dù chưa công bố tỷ lệ phân bổ room tín dụng mới về từng ngân hàng, nhà điều hành đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc nhóm ngân hàng thương mại thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Theo SSI, với việc một loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 0,5-3%/năm cho các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên, ước tính số tiền lãi vay hỗ trợ giảm đợt này vào khoảng 3.300 tỷ đồng.