Mai Phụ - nơi phát tích người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan

(Baohatinh.vn) - Mai Phụ đất không rộng, người không đông, hình thành trên cơ sở 3 làng cũ: Mai Lâm, Vĩnh Tuy, Triều Sơn. Nơi đây có một bề dày về lịch sử văn hóa: 5 di tích được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, 2 bằng chứng nhận cấp quốc gia về cây di sản.

mai phu noi phat tich nguoi anh hung dan toc mai thuc loan

Một góc Mai Phụ.

Từ TP Hà Tĩnh theo tỉnh lộ 9 qua cầu Hộ Độ khoảng 2 km, phía Tây Bắc thấp thoáng chùa Triều Sơn đã qua vài trăm năm tuổi. Sân chùa có cây thị được cấp bằng công nhận cây di sản. Theo bảng chỉ dẫn, tôi rẽ phải đi qua làng Triều Sơn và Vĩnh Tuy rồi dừng chân ở làng Mai Lâm phía Đông của xã. Không biết vùng đất này có tên Mai Lâm tự bao giờ mà những thế hệ đi trước đã phát hiện và gửi vào 2 từ Mai Lâm những nội hàm hết sức phong phú, đặc sắc.

Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, từ “mai” trong Mai Lâm chỉ thứ ngọc quý, từ “lâm” là rừng, chỉ số nhiều. Như vậy, làng Mai Lâm là nơi chứa nhiều ngọc quý. Nên hiểu ngọc ở đây không chỉ viên ngọc cụ thể mà để chỉ những điều quý giá ở vùng đất này.

Sau khi vào thắp hương trong đền Vua Mai, chúng tôi quây quần dưới tán lá sum suê của 2 cây đa cổ thụ trước đền có tuổi đời đã mấy trăm năm được cấp bằng công nhận cây di sản. Một cảm xúc trào dâng mãnh liệt về một vùng đất có mạch nguồn sự sống lớn lao đã giúp 2 cây đa trường tồn qua những biến cố của thời gian.

mai phu noi phat tich nguoi anh hung dan toc mai thuc loan

Đền thờ vua Mai

Anh Định, người làng Mai Lâm dẫn tôi đi xem giếng nước cổ. Theo anh, làng Mai Lâm trước đây chỉ có duy nhất giếng nước này. Cách bờ sông nước mặn khoảng 25m nhưng 4 mùa, kể cả những ngày hè gió lào bỏng rát, nguồn nước vẫn dồi dào trong mát. Những lần khảo giếng, mọi người phát hiện dưới đáy có 2 tấm ván dày không rõ gỗ gì. Theo các nhà khảo cổ, giếng nước được thiết kế theo kiểu Chăm Pa - Chiêm Thành. Chính từ mạch nguồn này, các thế hệ người dân Mai Lâm sinh ra, lớn lên và trưởng thành, đóng góp một phần không nhỏ sức lực, trí tuệ, tài năng cho đất nước.

Đầu năm 2017, nhân dân huyện Lộc Hà, xã Mai Phụ thật sự sống trong niềm vui lớn. Ngày giỗ Vua Mai (13/1 âm lịch) và khánh thành đền thờ Mai Hắc Đế (16/1 âm lịch) được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh nhà đã giúp mọi người hiểu thêm công lao to lớn của người anh hùng Mai Thúc Loan. Công trình được Đảng và Nhà nước quan tâm, các nhà hảo tâm và nhân dân chung sức đóng góp. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, một đền thờ uy nghi, khang trang trong khuôn viên rộng rãi, đẹp đẽ đã được hoàn thành, tạo nên một điểm nhấn tâm linh đặc biệt cho vùng quê này.

Tuy hiện nay vẫn còn có những giai thoại cần các nhà nghiên cứu lịch sử vào cuộc để làm rõ nhưng điều khẳng định: Mảnh đất Mai Lâm này là nơi tụ khí, nơi phát tích người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.

mai phu noi phat tich nguoi anh hung dan toc mai thuc loan

Hàng năm, cán bộ, nhân dân xã Mai Phụ đều tổ chức lễ giỗ của ông theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan.

Hình ảnh và vị trí lớn lao trong lịch sử của người anh hùng được khẳng định trên nhiều phương diện. Cuộc khởi nghĩa và sự tồn tại của triều đình Mai Hắc Đế không được dài lâu (817-822) nhưng là cuộc khởi nghĩa có một không hai của người nông dân vùng Hoan Châu (xưa là quận Giao Chỉ) chống lại sự đô hộ của phong kiến phương Bắc thời nhà Đường. Đứng lên khởi nghĩa và xưng đế là thể hiện ý chí quật cường, niềm tự hào của người con đất Việt không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ, mong muốn đất Việt được độc lập, tự do.

Mai Lâm còn được biết đến bởi một vùng đất dài chưa đến 400m, rộng khoảng 150m nhưng có tới 16 nhà thờ họ và 2 đền thờ (đền thờ Mai Hắc Đế và đền thờ vọng tướng quân Lê Khôi).

Đền thờ vọng tướng quân Lê Khôi nằm sát mép kè biển, uy nghi, cổ kính. Qua kết cấu và xây dựng, đền thờ cũng có tuổi đời trên vài trăm năm. Vì sao sau khi tướng quân Lê Khôi mất, thi hài được an táng ở ngọn Long Ngâm núi Nam Giới lại được triều đình nhà Lê sắc phong cho làng Mai Lâm và Vĩnh Tuy xây thượng điện, trung điện, tạc tượng để thờ cúng?

Khi vào thắp hương, chúng tôi được cụ từ trông coi đền vọng tướng quân cho xem nội dung bài văn tế hàng năm nhân ngày giỗ của ngài, có xứng tên các “bản quan” (quan địa phương) thuộc họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Lê… là những tướng tài dưới trướng tướng quân Lê Khôi đã từng góp một phần không nhỏ sức lực, trí tuệ cho triều đình nhà Lê đi mở cõi và ổn định tình hình nơi vùng biên ải xa xôi của đất nước lúc bấy giờ. Điều đó cũng lý giải vì sao có sự đậm đặc các nhà thờ họ ở làng này. Đây đúng là vùng “địa linh”. Ngày xưa, những người đứng đầu các dòng họ đã tìm được một nơi định cư lý tưởng để phát triển họ tộc lớn mạnh.

Vào ngày giỗ Mai Hắc Đế, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, ngày giỗ tướng quân Lê Khôi (3/5 âm lịch), làng Mai Lâm như vào hội. Con cháu các dòng họ khắp nơi tìm về các nhà thờ để thắp một nén nhang tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Đi trong khói hương ngào ngạt, nghe tiếng trống, tiếng chiêng vang lên từ các nhà thờ, chắc chắn mọi người sẽ thức tỉnh tâm linh để hướng về tiên tổ.

Khi đi dọc bờ kè biển phía Đông Nam của làng, chúng tôi thấy vùng quê này thật đẹp, hứa hẹn một địa điểm du lịch thật hấp dẫn. Khi nước triều lên, đứng ở bờ kè đá vững chãi nhìn về hướng Nam là cả một vùng sông nước mênh mông. Về phía Đông là lạch Sót được trấn giữ bởi núi Nam Giới, ngọn núi có nhiều thắng cảnh. Phía Tây là cầu Cửa Sót vững chãi vắt qua sông nối 2 bờ lưu vực.

Đây là vùng hạ lưu của 2 dòng sông đổ về (sông Rào Cái và sông Hà Hoàng, tức Hộ Độ). Một thời, đây là vùng đặc sản với các loại thủy hải sản rất ngon như cua gạch, lệch vàng… Khi nước triều rút, những bãi bồi được nuôi ngao, những rừng sú vẹt tươi tốt là nơi trú ngụ, sinh sôi của cá, tôm... Khi triều lên, gió nồm thổi mát rượi, nhìn những tàu thuyền ngược xuôi, lòng xốn xang, khát khao những chuyến đi xa. Còn những đêm trăng thanh gió mát, ngồi ở bờ kè lặng nghe sóng vỗ mạn thuyền, ngắm ánh đèn của những thuyền đánh cá xuôi ngược, tâm hồn ta như nhẹ bớt ưu tư...

Làng quê Mai Lâm đang thực sự níu chân những ai từng đặt chân đến và để lại trong tâm thức họ những ấn tượng khó quên về mảnh đất, con người. Nơi đây - một vùng văn hóa!

Đọc thêm

Cổ vật trên đồi Mô

Cổ vật trên đồi Mô

Ông kể cho Sơn nghe về những trận đánh, về những câu chuyện đời lính. Lớp người chiến đấu mà nay còn, mai mất, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng...
Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Khi đã trải qua quá nhiều va vấp trên đường đời, tôi càng thấm thía hơn những nghĩa tình ấy. Chợt nhận ra, mẹ cũng chính là một chiếc nón vĩ đại che chở tôi đến hết cuộc đời…
Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Kenza Layli - một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vừa giành giải Hoa hậu AI. Người đẹp ảo này vốn có sức ảnh hưởng về mảng phong cách sống, thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram, TikTok.
Vòng xòe nở hoa

Vòng xòe nở hoa

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...
Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tôi lớn lên, cảm giác như không gian nhỏ hẹp đi. Cái man mác buồn bơ vơ của ngày nhỏ cũng không còn nữa. Thiếu thốn qua đi, kỷ niệm không còn nguyên sơ nữa...
Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Đêm tàn dần. Bình minh bắt đầu lên từ phía bên kia thành phố. Huyên đi qua một đêm thức trắng, kỷ niệm chầm chậm trôi trong đầu như một cuốn phim...
Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Sau mỗi lần trời mưa, tôi thường có thói quen ngồi ở một chỗ nào đó thật cao để đón lấy cái hừng nắng đầu tiên. Cái hừng nắng trông non nớt mà lại vô cùng mạnh mẽ...
Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn dịch vụ thông tin và truyền thông toàn cầu The Economist, trong đó có báo The Economist.