Mát ngọt chè hạt sen long nhãn

Khi những đầm sen thơm ngát bắt đầu tàn là lúc người ta bắt đầu mùa thu hoạch hạt sen. Ở ngoài Bắc, qua hạ trở sang thu là mùa sen tàn. Nhưng ở miền Nam, đây lại là lúc sen phát triển nhất.

Tại Huế, người ta bắt đầu thu hoạch hạt sen từ tháng tư âm lịch kia. Vì thế mà hạt sen sẵn có quanh năm. Dẫu vậy, món chè hạt sen long nhãn vừa thanh vừa bổ cứ phải đến khi trời bắt đầu se se nắng mật, những chùm nhãn sậm màu lúc lỉu trên cành được trẩy xuống theo chân thương lái tới nằm thây lẩy trên các quầy hoa quả mới gợi thèm trong tâm trí các bà các cô. Lúc này tiết đã ngả sang thu, đôi khi trời đi vắng khiến ngày ỉu mềm lạ lùng. Khi ấy, thưởng thức một bát chè sen long nhãn mới thật hợp làm sao.

Để nấu chè sen long nhãn, có thể dùng hạt sen tươi, nhãn nhục tươi hoặc sen khô và long nhãn khô đều được. Nhưng thích nhất vẫn là mùa nào thức nấy, dùng đồ tươi. Chuẩn bị 2 lạng hạt sen tươi hoặc 1,5 lạng hạt sen khô); 1kg nhãn tươi (hoặc 2 lạng long nhãn khô); Đường phèn hoặc đường hoa mai (tùy theo khẩu vị thích ngọt đậm hay ngọt mát mà gia giảm).

Hạt sen tươi bóc vỏ cứng, lột sạch màng, thông bỏ tâm sen. Nếu dùng hạt sen khô có thể ngâm với nước trước đó cho mềm, đun sẽ chóng chín hơn. Cho hạt sen vào nồi nước với lượng vừa đủ đun đến lúc vừa chín. Chú ý không đun quá chín kẻo hạt sen bở nát. Sau đó cho đường vào đun với hạt sen khoảng 10 phút cho ngấm ngọt. Dùng muôi lỗ hoặc vợt vớt hết hạt sen ra bát cho nguội.

Nhãn bóc vỏ, khéo léo dùng đầu mũi dao tách bỏ hạt lấy cùi. Để giữ cho cùi nhãn không bị rách, chỉ cần dùng dao nậy quanh núm hạt cho tách ra, rồi lấy ngón tay hoặc tăm đẩy từ dưới đẩy lên là hạt sẽ rời khỏi cùi.

Hạt sen đã chín lấy ra từng hạt lồng vào cùi nhãn thay thế cho hạt nhãn. Nếu dùng long nhãn khô thì phải ngâm trước khoảng 10-15 phút cho nở rồi mới lồng hạt sen vào. Tiếp theo, bỏ nguyên liệu vào nồi nước nấu hạt sen trước đó nấu sôi lại lần nữa. Chú ý không để lửa to, nhiệt độ bếp cao, không để sôi kỹ làm long nhãn mềm quá sẽ mất ngon.

Múc chè sen long nhãn ra bát, để nguội. Có thể để vào tủ lạnh hoặc bỏ ít đá viên vào ăn cho mát.

Chè sen long nhãn được cho là bổ khí huyết, ích tâm nhưng nên ăn khi mát trời và không thích hợp với người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, phụ nữ có thai.

Theo đông y, long nhãn có tính ôn, vị ngọt thơm, có tác dụng an thần, làm giảm stress, ích tâm kiện tỳ, bồi bổ khí huyết. Long nhãn khô đặc biệt phù hợp với người mắc các chứng mất ngủ kéo dài, ngủ mê, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, hay lo âu, thiếu máu, suy nhược cơ thể… Hạt sen có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g hạt sen tươi có 9,5g protid, 30g glucid, 0,8g xenluloza, cung cấp cho cơ thể được 162 calo. Ngoài ra còn có nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể: caroten, vitamin B1 (0,17mg%), vitamin B2 (0,09mg%), vitamin PP (1,7mg%), vitamin C (17mg%)...

Trong 100g hạt sen khô có 20g protid, 2,4g lipid, 58g glucid, 17,5g xenluloza, cung cấp cho cơ thể 342 calo và một số muối khoáng quan trọng (canxi 89mg%, photpho 285mg%, sắt 6,4mg%...). Theo Đông y, hạt sen có vị ngọt chát, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, thận. Có tác dụng bổ tỳ, chỉ tả, ích thận, cố tinh, dưỡng tâm, an thần, sáp trường. Dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh cửu tả, thận hư, di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, mất ngủ, thần kinh suy nhược.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói