Messi, Argentina & bản tango cuối cùng... tiếp nối

Bài ca tango của người Argentina tưởng chừng sẽ im tiếng sau bàn mở tỷ số ngay phút đầu tiên của Ecuador. Nhưng không, thứ thanh âm ấy vẫn tiếp nối nhờ người nhạc sĩ tài hoa Lionel Messi.

Nhạc sĩ Vũ Thành An nổi tiếng với những ca khúc Không tên. Điều thú vị, bài Không tên đầu tiên ông viết là... Bài không tên cuối cùng. Nhạc phẩm này ra đời năm 1965, kể về chuyện tình tan vỡ với người tình Luật Khoa. Lúc ấy, Vũ Thành An mới chỉ là chàng sinh viên 21 tuổi đối diện tương lai mịt mùng.

Ecuador 1-3 Argentina

Trong khi đó, bạn gái của ông lại là một tiểu thư đài các như ông viết trong hồi ký: "Gia đình Em rất khá giả, chính Em ngoài việc học còn đang phụ giúp gia đình điều hành một xưởng dệt. Gia đình Em ngoài một người anh đang đi du học ở nước ngoài, còn có một người chị và hai cô em gái nữa".

Bởi sự đối nghịch gia cảnh ấy, gia đình nàng kịch liệt phản đối chuyện nàng qua lại với Vũ Thành An. Nàng nhiều lần hẹn thề dù thế nào đi nữa vẫn theo ông đến suốt cuộc đời. Nhưng, rốt cuộc cuộc tình tan vỡ, nàng chia tay ông để lên xe hoa về nhà chồng.

Trong nỗi đớn đau vì bị người tình phụ, ông viết nên những lời nhạc đầy phẫn uất và chua chát của một người tình si: "Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu. Mưa bên chồng có làm em khóc có làm em nhớ, những khi tình còn nồng. Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em? Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ, cho thần tiên chấp cánh, xót đau người tình si".

Khoảnh khắc Romario Ibarra ghi bàn, Argentina chừng như sụp đổ

Ngót nghét 30 năm sau, qua bao biến cố cuộc đời, Vũ Thành Anh gặp lại người tình năm xưa. Như để chuộc lỗi cho một thời trẻ trai nông nổi, ông sửa lời bài hát thành: "Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó chắc qua bao lênh đênh, bao gập ghềnh có làm hiu hắt có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười. Này em hỡi con đường em đi đó con duong em theo đó đúng đấy em ơi! Nếu chúng mình có thành đôi lứa chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau". Và bài hát thì được đổi tên thành Bài không tên cuối cùng tiếp nối.

Sáng nay, bóng đá thế giới chứng kiến cuộc chuyển mình trong tư tưởng tương tự với Argentina. Trước chuyến hành quân đến Ecuador, Albiceleste xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ trước lượt trận cuối trong khi chỉ 4 đội có vé đi thẳng, đội xếp thứ 5 phải đi dự play-off.

Theo thế cục, Argentina phải thắng mới có vé vớt và phải thắng trong khi Chile thua mới có vé đi thắng. Ecuador vốn dĩ đã bị loại và chưa bao giờ ngang tầm đẳng cấp Argentina song một bộ phận không nhỏ người hâm mộ không tin Albiceleste sẽ thắng bởi phong độ kém cỏi trước đó.

Thậm chí trên trang nhất, tờ Mundo Deportivo còn miêu tả trận đấu giữa Argentina và Ecuador là Bản tango cuối cùng cho thầy trò Jorge Sampaoli. Nhưng, mọi chuyện đi theo đúng kịch bản có lợi nhất cho Argentina. Họ giành chiến thắng 3-1 và kết thúc vòng loại ở vị trí thứ 3 do Chile thua trước Brazil.

Một mình Messi kéo Argentina thoát khỏi vũng lầy

Một chiếc vé đồng nghĩa hy vọng bừng sáng. Ngược dòng lịch sử, vòng loại World Cup 1986, Argentina gặp Peru ở lượt trận cuối vòng bảng. Họ bị dẫn 2-1 tới tận phút 80, tỷ số đồng nghĩa bị loại. Gareca kịp thời gỡ hoà, Argentina có vé đến Mexico và tiến thắng tới Cúp Vàng với màn trình diễn bùng nổ của Diego Maradona. Một thông tin thú vụ khác, Gareca chính là HLV Ecuador hiện tại.

Vòng loại World Cup 2002, Brazil đợi đến tận vòng đấu cuối cùng mới có vé dự vòng chung kết nhờ chiến thắng 3-0 trước Venezuela. Ở vòng áp chót, niềm tin tưởng chừng như đánh mất bởi Selecao đại bại 1-3 trước nhược tiểu Bolivia. Đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bộ ba R, đặc biệt là Ronaldo thăng hoa để đưa Brazil bước lên đỉnh thế giới lần thứ năm.

Bây giờ, 32 năm sau thế hệ Maradona, 16 năm sau thế hệ Ronaldo, Argentina cầm lấy tấm vé thông hành tới Nga mùa Hè sang năm một cách đầy nhọc nhằn. Không biết chu kỳ 16 năm có được tái hiện hay không nhưng rõ ràng những ca từ cay nghiệt của một nhạc phẩm chấm dứt cuộc tình được sửa đổi theo cái cách thật an yên và tràn trề hy vọng.

Người sửa lời cho bài hát chẳng phải ai khác ngoài nhạc sĩ tài hoa Lionel Messi. Argentina để lọt lưới ngay ở phút đầu tiên của trận đấu, xuyên suốt lịch sử đội bóng hào hùng này chưa bao giờ thủng lưới sớm đến thế. Mọi thứ chừng như sụp đổ, Alcebileste cần ghi 2 bàn để đi tiếp trong khi 270 phút trước đó họ chỉ ghi được 1 bàn thắng.

Hy vọng vô địch trở lại với người hâm mộ Argentina

Mọi ánh mắt đổ dồn về Messi, người từng bị cả Argentina ruồng rẫy. Messi trả lời, không chỉ 2 mà là 3 bàn thắng. Một cú hat-trick siêu hạng chỉ trong vòng 50 phút. Chứng kiến những khoảnh khắc lóe sáng diệu vợi ấy, chính người Argentina hiểu hết chân giá trị của La Pulga. Rằng sau Maradona, họ đang sở hữu tài năng xuất chúng nhất của bóng đá thế giới.

Argentina có Messi có thể chưa chạm tay vào danh hiệu. Tuy nhiên, 3 lần lọt vào chung kết tại 3 giải đấu lớn liên tiếp là cả một kỳ công. Còn Argentina không Messi có thể đã không vượt qua được vòng loại. Messi khiến đồng đội thui chột? Hãy bình tâm để suy xét.

Liệu Aguero, Higuain và Icardi, những chân sút quen độc lập tác chiến có thể sát cánh cùng nhau. Liệu Di Maria và Dybala đủ sức cáng đáng khối lượng công việc khổng lồ Messi đang làm, nhất là khi phía sau là tuyến giữa thiếu sáng tạo. Thế nên, Argentina còn hy vọng khi và chỉ khi còn sự hiện diện của Messi trong đội hình.

Hôm nay, bài tango đã được cất cao sau bao ngày im tiếng. Và tháng 6 tới, những điệu nhạc đầy hứng khởi và gợi tình đậm chất tango sẽ lại được cất lên trên sân cỏ nước Nga.

Theo Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói