Món ăn đường phố vượt thời gian ở Nhật

Từ nhiều thế kỷ trước, khoai lang nướng đã là món ăn thân thuộc với cuộc sống của người dân xứ Phù Tang. Đến nay, món ăn đường phố này vẫn được ưa chuộng.

“Yaki-imo, Ishi Yaki-imo”, tiếng rao lanh lảnh phát ra từ những chiếc xe tải nhỏ bán khoai lang nướng chạy dọc ngoại ô Tokyo (Nhật Bản), trở nên quen thuộc với người dân địa phương bao năm qua.

Âm thanh vọng qua các con hẻm, tòa nhà khiến người nghe phải chú ý. Ở cạnh Tokyo sầm uất hiện đại, món khoai nướng vẫn được bán rong như thế. Món ăn đường phố thân thuộc với người Nhật còn xuất hiện trên những chiếc xe tải kiểu cũ với lò nướng và mái hiên, bảng giá và biển quảng cáo, chạy chầm chậm quanh rìa thành phố vào buổi tối.

Món ăn lâu đời

Ở một đất nước nổi tiếng với các món ăn tinh xảo nhưng khoai lang nướng vẫn có chỗ đứng trường tồn trong đời sống của người Nhật. Từ lâu, yaki-imo đã trở thành món ăn vặt mùa đông được ưa chuộng. Món ăn nóng hổi này xuất hiện từ những năm 1600.

Đến tận năm 1891, món ăn này mới phổ biến khắp nước Nhật. Món ăn được mọi lứa tuổi, tầng lớp người dân đón nhận. Một tờ báo nổi tiếng ở Tokyo so sánh khoai lang nướng có sức hấp dẫn hơn nhiều lần những món bánh ngọt đắt đỏ như kasutera hay yokan.

Món khoai lang nướng (yaki-imo) có tuổi đời hàng thế kỷ. Ảnh: BBC

Đầu thế kỷ 20, yaki-imo là nguồn lương thực chính vào mùa đông ở những khu vực thu nhập thấp. Các cửa hàng và nhà cung cấp khoai nướng mọc lên như nấm trong giai đoạn này. Tính đến năm 1905, đã có 1.300 địa điểm bán yaki-imo ở Tokyo, theo BCC .

Vào năm 1942, Đạo luật kiểm soát thực phẩm thời chiến đã khiến nhiều cửa hàng khoai lang nướng phải đóng cửa. Mặc dù vậy, khoai lang vẫn là lương thực chính tại Nhật Bản trong Thế chiến II khi các cây trồng khác trở nên khan hiếm. Bột khoai lang được sử dụng thay thế cho bột mì và nó cũng thay thế cho lượng gạo ít ỏi những năm 1945.

Sau Thế chiến II, những cửa hàng yaki-imo trở lại, người bán khoai lang nướng một lần nữa quay trở lại đường phố cùng với tiếng rao “Yaki-imo, Ishi Yaki-imo” vang vọng khắp khu phố.

Vắng dần những tiếng rao

Tuy nhiên, những chiếc xe tải bán rong dậy mùi thơm này đang dần biến mất khi khoai lang nướng được bán trong các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

Aiko Tanaka, nhà nghiên cứu thực phẩm và giám đốc của Trường cao đẳng Nghiên cứu thực phẩm Nhật Bản ở Osaka, cho biết: “Tiếng rao từ bài hát bán rong khoai nướng trên xe tải dần ít đi. Một ngày nào đó nó sẽ biến mất hoàn toàn".

Xe tải bán khoai lang nướng dạo quen thuộc với nhiều người Nhật. Ảnh: BB

Koki Ono, một người đã bán khoai lang dạo chia sẻ rằng yếu tố lớn nhất đằng sau sự thiếu vắng những lời rao là lo ngại về tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến doanh thu của những người bán rong.

Asuri Kamatani, chủ cửa hàng yaki-imo hiện đại Himitsu na Yakiimo (Secret Roasted Sweet Potato, tạm dịch: bí mật khoai lang nướng), cũng nhận thấy rằng những chiếc xe tải bán khoai lang nướng đang dần vắng bóng. Những người vẫn muốn tiếp tục bán yaki-imo bằng xe tải cũng dần phải đổi mới cho hợp thời.

Koki Ono cho biết anh phải trang trí chiếc xe tải bằng những hoạ tiết ăn theo trào lưu, dán thêm mã QR để khách hàng tiện thanh toán.

Món ăn trường tồn với thời gian

Nhà nghiên cứu Tanaka cho rằng những xe tải bán rong có thể thưa dần nhưng món khoai nướng sẽ còn tồn tại.

Tanaka cho biết yaki-imo từng là loại đồ ăn nhanh của người Nhật cho đến khoảng năm 1970, khi các món ăn nhanh kiểu Mỹ bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản.

Những quầy bán khoai lang nướng dễ gặp tại các khu chợ ở Nhật. Ảnh: tokyocheapo

Tuy nhiên, món ăn vặt truyền thống này vẫn còn giá trị khi đến tận năm 2022, những chiếc xe bán khoai dạo vẫn còn loanh quanh ở ngoại ô Tokyo. “Mùa đông Nhật Bản không thể thiếu món khoai lang nướng”, ông Tanaka nói.

Dẫn chứng về sự trường tồn lâu dài của món ăn vặt này, Koki Ono cho biết mỗi ngày anh bán được khoảng 100 củ khoai lang nướng. Đối tượng khách đa dạng, từ em bé 7 tuổi đến ông cụ 90 tuổi.

Không riêng Koki Ono, Kamatani cũng thành công với việc bán khoai lang nướng trên xe tải. Cô bắt đầu công việc kinh doanh của mình với một chiếc xe tải màu hồng sành điệu vào năm 2018. Đến năm 2021, cô đã mở một cửa hàng bán khoai ở quận Omotesando thời thượng tại Tokyo.

Kamitani cho rằng những chiếc xe tải bán khoai dạo sẽ không biến mất. “Luôn có những con người hoài niệm muốn thưởng thức khoai lang nướng trên bếp lửa của xe tải. Đó là một nét văn hóa đường phố đặc trưng ở Nhật”, Kamitani nói.

Theo Zing

Đọc thêm

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Khi đã trải qua quá nhiều va vấp trên đường đời, tôi càng thấm thía hơn những nghĩa tình ấy. Chợt nhận ra, mẹ cũng chính là một chiếc nón vĩ đại che chở tôi đến hết cuộc đời…
Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Kenza Layli - một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vừa giành giải Hoa hậu AI. Người đẹp ảo này vốn có sức ảnh hưởng về mảng phong cách sống, thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram, TikTok.
Vòng xòe nở hoa

Vòng xòe nở hoa

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...
Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tôi lớn lên, cảm giác như không gian nhỏ hẹp đi. Cái man mác buồn bơ vơ của ngày nhỏ cũng không còn nữa. Thiếu thốn qua đi, kỷ niệm không còn nguyên sơ nữa...
Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Đêm tàn dần. Bình minh bắt đầu lên từ phía bên kia thành phố. Huyên đi qua một đêm thức trắng, kỷ niệm chầm chậm trôi trong đầu như một cuốn phim...
Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Sau mỗi lần trời mưa, tôi thường có thói quen ngồi ở một chỗ nào đó thật cao để đón lấy cái hừng nắng đầu tiên. Cái hừng nắng trông non nớt mà lại vô cùng mạnh mẽ...
Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn dịch vụ thông tin và truyền thông toàn cầu The Economist, trong đó có báo The Economist.
Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định ‘khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông’, mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…