Đầu tiên là hành tinh này có bốn mùa giống như Trái đất, điểm khác biệt là thời gian các mùa dài ngắn khác nhau. Mùa xuân dài 7 tháng, mùa hè 6 tháng, mùa thu 5 tháng và mùa đông ngắn nhất, chỉ có trong 4 tháng. Điều này xảy ra do sao Hỏa có quỹ đạo hình elip rất dẹp nên khoảng cách giữa sao Hỏa với Mặt trời thay đổi liên tục, dẫn đến chu kỳ các mùa như vậy.
Điều thú vị tiếp theo là núi lửa lớn nhất hệ Mặt trời nằm ở sao Hỏa, với tên gọi Olympus Mons. Ngọn núi này cao gấp 3 lần đỉnh Everest của Trái đất và có rất nhiều người anh em núi lửa dày đặc khác tạo thành một hệ thống núi lửa. Các nhà khoa học giải thích rằng do mảng kiến tạo hoặc do lớp vỏ của sao Hỏa hiếm khi di chuyển đã tạo ra rất nhiều núi lửa.
Sao Hỏa có núi lửa cao nhất Hệ Mặt trời.
Và bạn nghĩ sao khi nghe nói sự sống của Trái đất bắt đầu từ sao Hỏa? Giả thiết này được các nhà khoa học ở Viện Westheimer Khoa học và Công nghệ Florida, Mỹ đưa ra. Họ cho rằng vào 3,6 tỷ năm trước, nguyên tố Bo và Molypden – hai nguyên tố hình thành nên sự sống – bị oxy hóa đã theo các thiên thạch đến Trái đất. Từ đó sự sống trên hành tinh của chúng ta mới bắt đầu.
Giả thiết này phù hợp với việc các nhà khoa học từng phát hiện ra carbon và đất sét trên miệng núi lửa McLaughlin của sao Hỏa. Đó là những bằng chứng cho sự xuất hiện của nước ở đây. Bên cạnh đó, các mỏ trầm tích trên bề mặt sao Hỏa còn được phát hiện ra bởi vệ tinh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Những trầm tích này cho thấy cách đây hàng tỷ năm đã có một đại dương tồn tại trên sao Hỏa.
Vậy thì đại dương này trên sao Hỏa đã biến đi đâu? Tiến sỹ Jeremie Mouginot thuộc Đại học California, Mỹ cho rằng nước đã bốc hơi hoặc biến thành dạng băng ẩn sâu dưới bề mặt của sao Hỏa. Do đó, việc sao Hỏa đã từng hay đang có sự sống không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ với các nhà khoa học Trái đất.