Với nhiều giải pháp đầu tư, mua sắm hợp lý, Trường THPT Phan Đình Phùng trang bị Phòng Thực hành vật lý phục vụ tốt cho công tác dạy, học.
Từ trước đến nay, xung quanh việc mua sắm tài sản nhà nước đã từng có nhiều “câu chuyện” tiêu cực, vi phạm pháp luật. Dễ nhận thấy nhất là những hạn chế như: Không chuyên nghiệp, chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý tài sản công, gây tốn kém vì có nhiều đầu mối đơn vị đang cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm đối với cùng một hoặc một số loại tài sản như nhau. Mặt khác, phương thức mua sắm này khiến chi phí cao hơn do mua sắm nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không được tối ưu do chưa có điều kiện để chọn lựa các nhà cung cấp tốt nhất, đồng thời, gây khó khăn trong việc giám sát và kiểm soát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí... Vì vậy, ngày 26/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Triển khai thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung của Chính phủ, ngày 10/8/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2229/QĐ-UBND về danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tài sản được mua sắm gồm bàn ghế ngồi làm việc, họp, tiếp khách; tủ đựng tài liệu; máy photocopy; trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh; vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho người tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh; đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và trang thiết bị dạy học các cấp học.
Ngày 18/10/2016, UBND tỉnh có quyết định giao cho Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài chính công (TV-DVTCC) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu mua sắm tài sản tập trung. Đồng thời, có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản làm hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, việc tổ chức mua sắm tài sản tập trung sẽ được tổ chức làm 3 đợt, dự kiến là 15/5, 15/7 và 15/10 hàng năm.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 15/8/2017, Trung tâm TV-DVTCC thuộc Sở Tài chính tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung đợt 1 với tổng giá trị các gói thầu là hơn 76 tỷ đồng. Sau đó, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung. Đến nay, phần lớn các đơn vị đã ký kết hợp đồng mua sắm tài sản.
Tiếp đó, ngày 15/10, Trung tâm TV-DVTCC tổ chức đấu thấu mua sắm đợt 2 với tổng giá trị 8,5 tỷ đồng và đang xúc tiến, thực hiện các trình tự, thủ tục để tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản tập trung lần 3.
Có thể thấy rằng, việc thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã khắc phục những hạn chế trong phương thức mua sắm phân tán, góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức. Bên cạnh đó, nhờ có kế hoạch mua sắm tập trung đã hạn chế được việc mua sắm vượt nhu cầu thực tế, không hiệu quả, đảm bảo tính chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.
Ông Lê Viết Cường - Phó Giám đốc Trung tâm TV-DVTCC cho biết: Bước đầu triển khai thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng. Với sự tăng cường quản lý mua sắm công thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện mua sắm tập trung đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước tiết kiệm và hiệu quả.
Số tiền tiết kiệm được sau đấu thầu của 2 đợt là trên 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành công nhất của việc tổ chức mua sắm tài sản tập trung là đưa việc mua sắm của các cơ quan, đơn vị hành chính vào khuôn khổ, đảm bảo các yếu tố chính xác, công khai, minh bạch.