Mỹ đang tạo sức ép để các đồng minh châu Âu phải tăng cường các tiểu đoàn, tàu và máy bay sẵn sàng chiến đấu trong một động thái mới nhất nhằm củng cố các phòng tuyến để ngăn chặn bất cứ vụ tấn công nào có thể xảy ra từ phía Nga.
|
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng các nước trong liên minh này hồi tháng 2/2018. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận mở rộng tại Brussels ngày 7/6 tới, khi Bộ trưởng Quốc phòng các nước đồng minh gặp nhau tại đây. Kế hoạch này sẽ được trình lên các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua tại cuộc gặp thượng đỉnh tháng 7 tới.
Được biết tới với cái tên “30-30-30-30”, kế hoạch này sẽ yêu cầu các nước NATO tập hợp 30 tiểu đoàn, 30 máy bay chiến đấu, 30 tàu chiến có thể sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày khi có báo động.
Tuy nhiên, kế hoạch này không thảo luận cụ thể số lượng binh sỹ hay thời hạn chót để lên chiến lược. Trong khi quy mô của các tiểu đoàn ở các nước NATO hiện rất đa dạng, có thể từ 600 quân đến 1000 quân.
Kế hoạch này sẽ là thách thức cho chính phủ các nước châu Âu, vốn đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích không thương tiếc vì cắt giảm mạnh chi tiêu cho quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh. Giờ đây họ sẽ phải tốn khá nhiều tiền để sửa sang lại “đống máy bay, trực thăng xếp xó bao lâu nay vì thiếu phụ tùng”.
NATO không thể không cảnh giác
“Chúng ta có một đối thủ (Nga) có thể tấn công đường bộ rất nhanh chóng vào các nước vùng Baltic và Ba Lan” – một quan chức ngoại giao cấp cao của NATO chia sẻ sau khi được nghe về kế hoạch trên của Mỹ. “Chúng ta không thể phí phạm tới hàng tháng trời để điều động quân đội”.
Các cuộc tập trận của Nga năm ngoái, mà theo giới chức phương Tây là bao gồm tới 100.000 binh sỹ, đã làm dấy lên quan ngại về những vụ đụng độ vô tình.
Điện Kremlin bác bỏ ý kiến này và cho rằng NATO mới là mối đe dọa an ninh với Đông Âu.
“Ý tưởng này, kể cả nếu nó được triển khai dù tôi hy vọng sẽ không như thế, thì sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực vốn ngày càng nhạy cảm ở châu Âu” – Đặc phái viên Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov chia sẻ với báo giới về đề xuất của Mỹ.
Tuy nhiên, sau sự kiện Crimea sáp nhập Nga năm 2014 và việc Moscow can dự vào cuộc chiến ở Syria năm 2015, Mỹ đã không còn tin Nga và muốn sẵn sàng cho mọi tình huống.
Lực lượng NATO – đông mà vẫn thiếu
Thực tế, với hơn 2 triệu binh sỹ, lực lượng của NATO áp đảo Nga, vốn chỉ có khoảng 830.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ (theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS có trụ sở tại Anh).
Sự kiện Crimea sáp nhập Nga đã khiến các nước NATO phải thiết lập một lực lượng “mũi nhọn” phản ứng nhanh và thiết lập 4 tiểu đoàn ở các nước Baltic và Ba Lan với sự hậu thuẫn và luân chuyển vũ khí từ Mỹ.
Tuy nhiên không rõ lực lượng này có thể phản ứng nhanh chừng nào và được duy trì trong bao lâu khi mà Pháp đang rải quân ở châu Phi còn Anh thì muốn giảm quy mô binh sỹ triển khai ra nước ngoài.
Theo một nghiên cứu của Rand Corporation năm 2016, Anh, Pháp và Đức có thể xây dựng một binh đoàn gồm từ 3 tiểu đoàn trở lên cùng với các xe tăng chiến đấu và khí tài khác trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên nguồn lực cho nhóm này rất eo hẹp khiến năng lực của họ cũng bị hạn chế trước các cuộc xung đột khác.
Một vấn đề khác của kế hoạch “30-30-30-30” là làm sao nó có thể khớp với các sáng kiến khác nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của châu Âu trong bối cảnh thiếu vũ khí và các khí tài khác.
Tháng 12 năm ngoái, EU đã thành lập một khối phòng thủ để phát triển lực lượng phản ứng với khủng hoảng và hợp tác để phát triển loạt trực thăng, tàu chiến mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn định thành lập một “lực lượng can dự” mới cho châu Âu do Pháp dẫn đầu.
Thế nhưng, châu Âu “chỉ có một lượng quân sỹ nhất định và họ không thể cam kết với mọi đề xuất quân sự được” - một quan chức ngoại giao cấp cao khác của NATO nhận định./.