Ông Nguyễn Hữu Đức - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Hải lau chùi ảnh Bác chuẩn bị đón năm mới |
Giáo dân thờ Bác
Những ngày cuối năm, dù bận rộn với những chuyến vươn khơi, bám biển nhưng anh Trần Văn Sương ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vẫn dành thời gian sửa soạn bàn thờ Bác Hồ một cách tươm tất. Với anh, đây là việc làm quen thuộc kể từ xuân Nhâm Thìn (2012), khi địa phương phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng việc lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà.
Anh Sương chia sẻ: “Không chỉ dịp lễ tết, vào mùng 1 và ngày rằm, chúng tôi đều biện lễ thắp hương lên bàn thờ Bác. Đặc biệt, ngày Quốc khánh cũng nhằm ngày giỗ Bác, gia đình tôi làm mâm cỗ cúng Bác như cúng gia tiên vậy. Đối với mỗi thành viên trong gia đình, bàn thờ Bác luôn có ý nghĩa thiêng liêng. Khi có việc trọng đại hoặc chuẩn bị cho những chuyến khơi xa, tôi thường thắp hương để cầu mong Bác phù hộ sự may mắn và bình an”.
Anh Trần Văn Sương chỉ là một trong rất nhiều giáo dân ở thôn Phúc Hải lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà. Ông Nguyễn Hữu Đức - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Phúc Hải là xóm giáo toàn tòng với 254 hộ dân. Người dân chủ yếu mưu sinh, sản xuất trên biển. Trước đây, nhà nào trong thôn cũng treo ảnh hoặc thờ tượng Bác Hồ nhưng từ năm 2012, khi Hội Cựu chiến binh phát động phong trào lập bàn thờ Bác hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì việc làm này mới được nhân rộng và đẩy mạnh. Ban đầu, chỉ có 47 hội viên cựu chiến binh hưởng ứng nhưng đến nay, rất nhiều nhà trong thôn cũng đã lập bàn thờ Bác. Nhà nào không có không gian để lập bàn thờ thì cũng treo ảnh chân dung Bác.
Bàn thờ được lập tại nơi trang trọng nhất trong gia đình. Có nhà lập chung với bàn thờ gia tiên, có nhà lại đặt bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ gia tiên… Với những giáo dân Phúc Hải, việc treo ảnh Bác không chỉ để làm đẹp cho ngôi nhà mà còn làm đẹp cho tâm hồn. Nó không chỉ là hành động, là thói quen, là phong trào mà còn là một nét đẹp, là văn hóa của người dân nơi đây. Mỗi ngày, nhìn hình ảnh Bác với đôi mắt sáng, nụ cười hiền, mái tóc hoa râm quen thuộc, những giáo dân nơi đây tự dặn mình phải sống “tốt đời, đẹp đạo” hơn, ai ai cũng cảm thấy phải chăm chỉ, cần cù hơn để xứng đáng với những điều di huấn của Người trước lúc đi xa.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Hải (thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng) thành kính thắp hương lên bàn thờ Bác. |
Răn mình và dạy con cháu
Không chỉ giáo dân thôn Phúc Hải, hầu hết người dân khắp 13 huyện, thị, thành phố đều lập bàn thờ hoặc treo ảnh Bác Hồ trong gia đình. Bác Trương Văn Nhỏ - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: “Đến nay, trên 70% hội viên trong toàn tỉnh có bàn thờ Bác tại nhà”.
Từ phong trào của Hội Cựu chiến binh, người dân khắp các địa phương đều hưởng ứng và lập bàn thờ Bác tại gia đình. Đặc biệt, những ngày cuối năm, nhiều người sắp xếp, sửa soạn lại bàn thờ để đón tết cổ truyền dân tộc. Anh Võ Quang Hoa, người dân thôn Đông Vịnh, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Tôi lập bàn thờ Bác là để tưởng nhớ vị Cha già kính yêu của dân tộc, người đã mang lại độc lập, tự do cho đất nước để hôm nay, chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Không chỉ gửi gắm tấm lòng hiếu kính, nhiều người dân lập bàn thờ Bác với ý nghĩa răn mình và răn dạy con cháu trong gia đình. Bà Lê Thị Hà (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mỗi lần dạy các cháu học bài, tôi lại kể cho chúng nghe những mẩu chuyện về Bác. Treo ảnh Bác trong nhà, tôi luôn hướng hành vi, cách ứng xử của các thành viên theo tấm gương đạo đức của Bác.
Thông qua hình ảnh Bác, những người như bà Hà không chỉ răn dạy con cháu về cách sống, học tập và làm theo tấm gương của Người mà còn giáo dục các thành viên trong gia đình lòng yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, việc treo ảnh Bác, lập bàn thờ Bác trong nhà đã giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như công lao to lớn của tiền nhân để sống ý nghĩa và có ích hơn.