Ngã ba Đồng Lộc - chầm chậm một lối về...

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, ở đâu trên dải đất hình chữ S cũng rộn rã những hoạt động tri ân, báo đáp các anh hùng, thương binh, liệt sỹ. Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng thế. Và, trong dòng người đó, có một lối về chầm chậm của những người may mắn còn sống sót sau cuộc chiến tranh…

Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 7 là những người như bà Cương, bà Tuệ lại lặng lẽ trở về nơi những đồng đội của mình đã ngã xuống.

Đã từng gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Bí thư chi bộ, Tổng đội phó Tổng đội TNXP 55 Thái Thị Cương nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi theo chân bà về lại chiến trường xưa Đồng Lộc.

Năm nay đã ngoài thất thập, sức khoẻ của bà không còn ổn định như trước nữa, mạnh yếu đôi khi phụ thuộc vào khí trời. Ấy vậy mà, chính bà cũng ngạc nhiên, không hiểu sao những ngày tháng 7 lịch sử này, sức khoẻ bà lại trở nên ổn định. Ngay cả đôi chân thường ngày hay đau nhức, tê bì cũng trở nên linh hoạt hơn. Bà nói, có lẽ đồng đội đã tiếp sức cho bà.

Như thể, chính linh hồn các đồng đội đã tiếp thêm sức khoẻ để các bà vẫn có thể chầm chậm trở về

Sáng tinh sương, khi nhân viên ban quản lý khu di tích Đồng Lộc còn bận bịu sửa soạn cho ngày phục vụ mới thì chúng tôi đã có mặt tại Đồng Lộc. Bà Cương nói, bà muốn đi sớm không phải chỉ để tránh nắng mà cái chính, bà muốn là người đầu tiên đến với đồng đội, đánh thức họ dậy bằng niềm nhớ nhung tĩnh lặng của mình.

Trở lại trong ký ức của các cựu TNXP trên tuyến lửa Đồng Lộc không chỉ có những đau thương, mất mát mà còn nhiều những kỷ niệm sâu lắng của tuổi trẻ

Bà hy vọng, trong tĩnh lặng ấy, trong tinh khiết ban mai ấy sẽ được gặp nhiều hơn các đồng đội, nhất là 10 cô gái đã đi vào huyền thoại. Đi cùng bà Cương hôm ấy còn có Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Lương Thị Tuệ, nữ nhà báo của “trái tim Đồng Lộc”, Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ, dẫu không nói ra nhưng ai nấy đều chung một suy nghĩ ấy.

Những bước chân chầm chậm trở về mang theo nhiều tâm tư để sẻ chia...

Từng là bí thư chi bộ, Tổng đội phó Tổng đội 55, bà Cương quản lý hàng nghìn TNXP, việc bà không thể nào nhớ hết tên đồng đội là điều tất yếu. Bà nói, già rồi, bao nhiêu vất vả đời thường đè nén lên suy nghĩ khiến mình không thể nào nhớ hết được. Hơn nữa, hồi đó cũng đi miết, cứ sáng ngày ra là đã đi kiểm tra lán trại, kiểm tra lớp học, tối đến lại tay cuốc, tay súng ra công trường, chẳng có thời gian để tiếp cận sổ sách nên nếu có nhớ chỉ có thể nhớ được tên những người đã gặp ở các trận địa, các công trường mà thôi.

Vậy nhưng, bà Cương cũng nhớ tên hàng trăm đồng đội. Có điều, bà nhớ theo cách riêng của bà, chậm rãi và đứt đoạn. Có khi bà chẳng nhớ nổi một người nào nhưng có thời điểm lại nhớ hàng loạt. Như năm nay, bà đã cung cấp thêm cho Hội Cựu TNXP tỉnh gần trăm cái tên và quê quán từng người. Chẳng biết, trong số những người bà nhớ được đó, giờ đây ai còn ai mất, ai sướng ai khổ nhưng bà hy vọng họ được tìm lại để sẻ chia với nhau những khó khăn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Ký ức của những năm tháng thanh xuân lại trở về khi những cựu thanh niên xung phong trở về Đồng Lộc

Hàng chục năm qua, những lần sức khoẻ cho phép, bà còn theo các đoàn cán bộ hội đến tận từng nhà để thăm hỏi, sẻ chia khó khăn với từng người… Năm nào không đủ sức thì bà trở lại Đồng Lộc và thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh. Không quá dồn dập, ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Đồng Lộc thường trở về trong tâm tư bà một cách chậm rãi và mạch lạc.

Ở đài tưởng niệm TNXP và các lực lượng đã chiến đấu, hy sinh ở Đồng Lộc, bà bùi ngùi vì nỗi những năm tháng ấy không ngày nào là không có người ngã xuống, không ngày nào là không phải chứng kiến cảnh thịt nát xương tan…

Dẫu có kìm nén nhưng các cựu nữ TNXP cũng không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi trước di ảnh của đồng đội

Khi đến thắp hương ở khu mộ 10 nữ anh hùng Đồng Lộc, dẫu đã dặn lòng phải nén đau thương, bà Cương vẫn không cầm lòng được mà thốt lên “các đồng chí ơi, mới đó mà đã 50 rồi” và rấm rứt nhoà lệ. Ký ức của buổi chiều đi tìm thi thể 10 cô gái trở về mồn một. Và nỗi đau đớn, nhớ thương cứ bị bà ghìm lại trong mỗi bước đi chậm chạp thắp hương lên mộ 10 cô, trong lần tay run run chạm vào di ảnh…

Những lớp lang ký ức cứ hiện về qua những hiện vật trưng bày trong bảo tàng Đồng Lộc

Trở lại Đồng Lộc, ký ức của bà Cương, bà Tuệ không chỉ có duy nhất một nỗi niềm đau thương. Hai bà còn như được sống lại những năm tháng tuổi xuân phơi phới khi chạm tay vào những hiện vật nơi bảo tàng Đồng Lộc. Từng chiếc áo, đôi dép, cái bi đông hay chiếc lược, chiếc kẹp, cuốn sổ chép bài hát của chị Hường đến cây súng, quả bom đều khiến các bà nhớ đến những buổi bên nhau hát hò, hát đối…

Hai bà đều cho rằng, hồi ấy rất nhiều người hát hay và giỏi ứng tác. Chiến tranh có thể cướp đi đôi tay hay đôi chân, có thể lấy đi tính mạng, có thể găm đạn, cứa bom vào cơ thể bất kỳ ai nhưng không thể tước đoạt đi niềm tin yêu phơi phới, không thể lấy đi sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi xuân. Rồi 2 bà cùng cất tiếng hò: “Chơ anh là chiến sỹ săn bầy quạ sắt, em là chiến sỹ trên mặt trận giao thông. Bao giờ đánh thắng giặc Mỹ thì song song ta về”…

Và, những lần gặp gỡ với cán bộ BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là một lần bà Cương cảm thấy an lòng bởi sự chăm sóc ân cần, chu đáo đối với hương hồn các đồng đội

Đồng Lộc những ngày tháng 7 nắng nóng hơn bao giờ hết. Bao nhiêu gió về reo vi vút trên đồi cũng không đủ xua tan nóng bức của mùa hè. Ấy vậy mà, mỗi ngày, có không biết bao nhiêu là đồng đội ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn chầm chậm trở về khói nhang cho đồng đội. Như bà Lương Thị Tuệ, không chỉ có trở về Ngã ba Đồng Lộc mà còn bôn ba khắp mọi miền quê để tìm lại đồng đội còn sống. Bất kỳ manh mối nào, dù là mong manh cũng là động lực để bà lên đường tìm kiếm.

Vai trò của Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh đã cho bà thêm nhiều cơ hội trong việc kiếm tìm các cựu TNXP chiến đấu ở toạ độ lửa Đồng Lộc. Chức vụ ấy cũng cho bà nhiều cơ hội để kết nối và chia sẻ khó khăn với đồng đội. Bà nói, nếu không có những hoạt động tri ân thì những người từng hy sinh xương máu, hy sinh thanh xuân cho đất nước nở hoa chiến thắng mãi mãi sống âm thầm, lặng lẽ trong sự quên lãng.

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Đồng Lộc này, bà Tuệ đã cùng với các cựu TNXP khảo sát và xin hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hơn 110 hội viên. Đó là động lực để bước chân bà lại tiếp tục rong ruổi trên mọi nẻo đường lần tìm ký ức.

Trong chuyến trở về quá khứ của 2 cựu TNXP, 2 người phụ nữ nguyên là Tổng đội phó Tổng đội 55 ấy, tôi còn được chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với cựu TNXP Nguyễn Thị Hoè ở thị xã Hồng Lĩnh. Bà Hoè là một thương binh, cựu TNXP đặc biệt. Những ai đã từng gặp bà đều không thể nào quên bởi tinh thần lạc quan của một cựu TNXP chịu nhiều bất hạnh. Sau những mừng mừng, tủi tủi, sau những hàn huyên tâm sự, bà Hoè bao giờ cũng gạt nước mắt và bắt đầu ngâm thơ.

Những vần thơ bà viết về cuộc đời bà, những vần thơ ứng tác về buổi gặp gỡ với bạn đều rất giản dị mà thấm đượm nghĩa tình. Và trong nhiều câu thơ của bà, vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ thương đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi Ngã ba Đồng Lộc: “Đồng Lộc trong tôi, Đồng Lộc suốt cuộc đời/ Đồng Lộc ơi một thời tuổi trẻ/ Dưới mưa bom bão đạn quân thù/Trong lòng tôi nhớ mãi một mùa thu”, “Bây giờ đất nước yên rồi/ Ai về Đồng Lộc rực trời cờ hoa/ Trong lòng tôi những thiết tha/ Tiếng chuông Đồng Lộc ngân nga sớm chiều”…

Với bà Hoè, thơ là nơi để gửi gắm tâm sự, là nơi thể hiện niềm lạc quan, tình cảm yêu thương với mọi người...

Những ầm ào đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, Đồng Lộc mưa bom đạn dội năm nào đã thắm xanh màu đổi mới nhưng vẫn còn đó một lối về chậm rãi. Vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư những người từng cầm súng chiến đấu ở tuyến lửa Đồng Lộc. Để mỗi tháng 7 tới, thế hệ hậu sinh như chúng tôi lại có cơ hội thấm nhận nhiều hơn những giá trị nhân văn, nhân bản từ lịch sử…

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói