Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc

(Baohatinh.vn) - Tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) những năm máu lửa, chúng tôi - những công nhân giao thông, thanh niên xung phong đã cống hiến những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ, góp phần làm nên chiến công huyền thoại của quân và dân Hà Tĩnh.

Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc

Anh hùng Uông Xuân Lý (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm về những năm tháng sát cánh bên nhau đảm bảo giao thông trên Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Tư liệu)

Tháng 5/1967, tôi được điều về Đồng Lộc và được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ máy gạt, thuộc Đội thi công cơ giới của Ty Giao thông Hà Tĩnh nhằm tăng cường đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Tổ máy chủ lực nhận nhiệm vụ khẩn thiết nhất lúc bấy giờ là bảo đảm thông xe đồng bộ, bằng mọi giá trên cả tuyến dài gần 5 km.

Tại vị trí được coi là “chảo lửa, túi bom” lúc bấy giờ, hằng ngày, máy bay địch thường xuyên quần đảo, bắn rốc-két, ném bom bi, bom sát thương, bom từ trường, bom nổ chậm; ban đêm lại thả pháo sáng dò tìm lực lượng của ta để hủy diệt.

Thời điểm đó, không thể kể hết những cam go, thử thách, không thể đo đếm được những hiểm nguy giữa cuộc chiến giữ đường của những con người bằng xương, bằng thịt với từng đoàn “quạ sắt” của không quân Mỹ vãi bom như vãi trấu.

Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc

Tổ máy gạt của Uông Xuân Lý ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Để bảo đảm an toàn, hạn chế tổn thất, buồng lái của máy được tháo hết kính chắn gió, mặt trong lót thêm lớp tôn, chèn thêm giẻ rách, chăn chiên và rạ nhằm chống lại bom bi. Do 2 dây xích và lưỡi gạt bằng thép liên tục hoạt động, cọ xát với đất đá trở thành vật phản quang khi có pháo sáng chiếu vào nên chúng tôi đã ngụy trang máy bằng một lớp bùn đất, tháo hết các loại đèn chiếu sáng, loại bỏ hoàn toàn ánh sáng nhân tạo trong vùng máy hoạt động.

Trong điều kiện không đèn, không trăng, không người chỉ dẫn, thợ lái máy chúng tôi phải tự mình tạo ra cách dò đường bằng cảm giác để điều khiển xe san ủi đất. Dựa vào cảm giác của tai, nghe tiếng xích, tiếng máy để phân biệt đường gập ghềnh, biết đất chưa bằng để gạt và đầm qua cho bằng. Với những sáng kiến kinh nghiệm và trên hết là lòng quả cảm, tổ máy gạt chúng tôi đã bí mật san lấp hàng trăm hố bom trong đêm, bảo đảm thông đường cho xe ra tiền tuyến; đóng góp một phần công sức cùng các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Một trong những kỷ niệm không thể nhạt phai trong cuộc đời tôi, đó là lần giáp mặt với tử thần mở đường máu ở cầu Tối. Ngày 13/6/1968, tại đầu Bắc của cầu, địch thả một loạt bom nổ chậm, công binh đã tập trung rà phá nhưng còn 2 quả bom nằm gần nhau chưa phá được. Nhiệm vụ khẩn trương phải bảo đảm an toàn cho đoàn xe ra tiền tuyến và phương án dùng máy ủi rà bom được triển khai. Người lái máy phải phối hợp dò xét loại bom, nếu không phải là bom từ trường thì cho máy băng qua và thông xe khẩn trương trước giờ bom nổ. Tình huống rất căng thẳng, anh em trong tổ đều xung phong nhận trách nhiệm về mình. Bản thân tôi là tổ trưởng, nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ, dù phải đối mặt với cái chết nhưng tôi đã quyết định đảm nhận trách nhiệm này.

Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc

Anh hùng LLVT Uông Xuân Lý: Tôi không bao giờ nguôi nỗi nhớ đồng đội thân yêu đã cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước

Lúc tôi lên xe, đồng đội xếp hàng tiễn biệt đầy lo lắng. Tôi nhanh chóng nổ máy, lợi dụng pháo sáng, cho máy tiến gần quả bom. Sau gần nửa tiếng đồng hồ cho máy tiếp cận gần quả bom rồi lùi nhanh, quả bom vẫn lì lợm nằm đó không chịu nổ. Lúc đó, một ý nghĩ vụt đến trong tôi, đó là, phải cho máy tiếp xúc trực tiếp với 2 quả bom. Nếu bom nổ, chấp nhận hy sinh, còn nếu bom không nổ, nó sẽ bị đẩy ra khu vực an toàn.

Suy nghĩ và quyết định nhanh, tôi liền cho máy tiến lên, hạ thấp lưỡi gạt, tăng mạnh ga nhằm thẳng cọc tiêu đẩy tới. Quả bom bị đẩy bật ra khỏi lòng đất, vẫn không phát nổ. Không còn thời gian lưỡng lự, tôi cho máy tiến lên và đẩy quả bom ra xa lòng đường. Thời gian trôi từng phút chậm chạp, căng thẳng. Khi quả bom thứ nhất được đẩy ra xa cách đường chừng 30m, tôi tiếp tục gạt quả bom thứ hai và cứ như thế sau một tiếng đồng hồ, 2 quả bom đã cách con đường dã chiến chừng 30-50m trong tiếng reo mừng và những vòng tay ôm chặt của đồng đội. Tuyến đường đã được thông suốt cho đoàn xe vận tải 100 chiếc chở hàng hóa, vũ khí vào Nam đánh giặc.

Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

Sau 50 năm, thật ý nghĩa và tự hào khi trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và là điểm du lịch tâm linh của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 1970, Tổ máy được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Bản thân tôi, năm 2010, đặc biệt vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những người thợ máy chúng tôi nói riêng và những người đã một thời chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc may mắn được hưởng cuộc sống trong hòa bình, độc lập hôm nay không bao giờ nguôi nỗi nhớ đồng đội thân yêu đã cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Chúng tôi muốn được nhắc lại và gửi gắm đến thế hệ trẻ ngày nay câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tuổi trẻ hãy vững tin, bền chí, mạnh mẽ tiến bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; xung kích, đi đầu trên các lĩnh vực, đóng góp trí tuệ, công sức của mình, xứng đáng là lực lượng chủ nhân của đất nước, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên.

  • Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc
    Những người xây “tượng đài mềm” tại Ngã ba Đồng Lộc

    Có một tượng đài về 10 nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã được tạc nên trong hàng chục năm qua bằng ngôn ngữ, cảm xúc của những thuyết minh viên. Bức tượng đài bất tử vừa lẫm liệt, vừa mềm mại, vừa oai phong lại rất gần gụi đã lắng sâu trong lòng du khách...

  • Tổ máy gạt anh hùng tại “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc
    Sống mãi tên người anh hùng trên tuyến lửa Đồng Lộc

    50 năm trôi qua, tuyến lửa Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) mưa bom đạn xới năm nào giờ đã thành vùng quê trù phú, giàu sức sống. Vậy nhưng, hình ảnh về những người anh hùng nằm lại trên tuyến lửa năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người thân, đồng đội. Võ Triều Chung - C trưởng C557 là một trong những người anh hùng ấy.

Anh hùng LLVT nhân dân

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.