Vệ sinh cá nhân là biện pháp dự phòng không đặc hiệu nhưng là biện pháp cần để phòng dịch bệnh COVID-19.
Vệ sinh bàn tay: Luôn giữ bàn tay sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
Vệ sinh tay là điều kiện cần để phòng virus SARS-CoV-2.
Vệ sinh thân thể: Tắm rửa hằng ngày, dù vào mùa đông, vẫn cần tắm rửa hằng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh có thể bám trên da.
Vệ sinh quần áo: Quần áo là nơi virus có thể bám vào, vì vậy, cần thay quần áo thường xuyên và giặt bằng xà phòng.
Mỗi gia đình cần có ý thức trong phòng, chống dịch bằng những việc làm đơn giản hằng ngày.
Vệ sinh tóc: Tóc dài, tóc rối… là nơi có thể chứa mầm bệnh (qua nước bọt người bệnh). Vì vậy, nên cắt tóc ngắn, với nữ giới nên cuốn hoặc búi tóc gọn gàng, gội đầu hàng ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh có thể bám trên tóc.
Vệ sinh móng: Không để móng tay, móng chân dài. Móng tay, móng chân là nơi có thể chứa mầm bệnh COVID-19, do đó luôn cắt ngắn móng tay, chân và vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh.
Vệ sinh mũi, họng: Niêm mạc mũi, họng là cửa ngõ tấn công của virus SARS-CoV-2, do đó, cần bảo vệ, tránh làm tổn thương các tế bào niêm mạc mũi, họng vì các nguyên nhân khác sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Các biện pháp vệ sinh mũi, vệ sinh răng miệng chung như: súc nước muối, nước gừng hàng ngày để giữ cho mũi, họng trong trạng thái khỏe mạnh nhất, tránh viêm nhiễm, hạn chế lây nhiễm COVID-19 và nhiều loại mầm bệnh khác và sẽ có nguy cơ làm bệnh nặng hơn.
Một cốc nước mật ong chanh sả vào buổi sáng sẽ là gợi ý tuyệt vời dành cho mỗi người để hạn chế sự xâm nhập của virus.
- Giữ ấm cơ thể để đề phòng lây nhiễm COVID-19: Giữ ấm cơ thể giúp cho sức đề kháng chung của cơ thể được tốt hơn. Một số cơ quan khi bị lạnh có thể dẫn đến bị viêm nhiễm như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19.
Ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch COVID-19 thì vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình là rất cần thiết. Theo đó, để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng, chống dịch COVID-19 tại gia đình cần làm theo 7 hướng dẫn sau của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: 1. Khử khuẩn bằng chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính sau khi pha. 2. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn. 3. Các bề mặt phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. 4. Khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh. 5. Khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn. 6. Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện. 7. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải hằng ngày theo quy định. |
Tuân thủ quy định 5K để thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.
Tính từ ngày 4/6/2021 đến nay, Hà Tĩnh đã có 1.174 ca bệnh COVID-19. Diễn biến dịch còn phức tạp nên mỗi người, mỗi gia đình cần chủ động vệ sinh cá nhân, khử khuẩn môi trường tại gia đình và thực hiện nghiêm 5K để phòng, chống dịch. |