Khi tiếp xúc với ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc ánh đèn), chúng hòa vào không khí, tạo thành các hạt cực độc hại gọi là aerosol hữu cơ thứ cấp (SOA). Khi tiếp xúc với cơ thể con người, chúng có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, tạo các triệu chứng đau đầu, buồn nôn. Đặc biệt, đi vào phổi chúng sẽ tích tụ lại, gây ra bệnh hen suyễn và ung thư đường hô hấp.
Các chất tẩy rửa trong căn nhà bạn có thể gây ngộ độc nếu không sử dụng đúng cách. Ảnh: Frosch
Theo các chuyên gia, hàm lượng SOA có thể được sản sinh với khối lượng vô cùng cao trong những ngôi nhà, tòa nhà thông gió kém. Vậy nên lời khuyên hữu ích nhất dành cho bạn, chính là khi dọn dẹp nhà, hãy mở hết tất cả cửa chính, cửa sổ để chất độc bay ra ngoài và chỉ nên sử dụng một sản phẩm tẩy rửa mỗi lần.
Các nhà nghiên cứu của ĐH Toronto (Canada) đã thêm limonene, HOCl và Cl 2 vào không khí trong căn phòng và đo các kết quả phản ứng. Limonene là thành phần được sử dụng để tạo mùi cam quýt cho các loại nước tẩy rửa trong gia đình. Còn hai hợp chất HOCI (axit hypochlorous) và Cl 2 (khí clo) đều có trong các sản phẩm tẩy rửa.
Kết quả đo được cho thấy trong bóng tối, limonene, HOCl và Cl 2 phản ứng với nhau để tạo ra nhiều hợp chất dễ bay hơi. Khi các nhà nghiên cứu bật đèn huỳnh quang, hợp chất này ngay lập tức phản ứng với ánh sáng và hình thành nên các hạt SOA. Điều tương tự cũng xảy ra khi họ để hợp chất này tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là GS Chen Wang, cảnh báo điều này có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dùng. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng mức độ ảnh hưởng sức khỏe của các chất độc hại này cần được nghiên cứu thêm.
Theo kết quả nghiên cứu, các hạt SOA cũng được sản xuất từ tinh dầu và hương liệu, gây kích ứng mắt và gây những vấn đề về hô hấp cho người hít phải chúng.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Dailymail Online , GS Chen Wang chia sẻ: “Tôi khuyên mọi người không nên hòa lẫn các sản phẩm tẩy rửa khác nhau, ví dụ như không trộn chất tẩy với dung dịch làm sạch terpene. Khi dọn dẹp vệ sinh nên mở cửa sổ để làm giảm nồng độ khí độc trong nhà. Các hạt SOA chỉ được hình thành khi có ánh sáng, vì ánh sáng phân tách các hợp chất HOCl và Cl 2 , đồng thời phản ứng với limonene. Khi quan sát phản ứng của limonene với khí thải thuốc tẩy (HOCl và Cl 2 ) trong bóng tối, chúng không hình thành hạt SOA. Điều đó không có nghĩa là chúng không có hại trong môi trường thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa thể khẳng định rằng nó có hại, bởi điều này đòi hỏi phải cần thêm thời gian kiểm định các kết quả phản ứng và nghiên cứu sức khỏe trong tương lai”.
Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Tim mạch Dự phòng châu Âu.
Không chỉ các hóa chất tẩy rửa trên, chất tẩy rửa chứa amoniac cũng là mối nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Bằng chứng là vào năm 2018, tờ Dailymail thông tin một phụ nữ 30 tuổi ở Madrid, Tây Ban Nha đã tử vong do ngộ độc chất tẩy rửa vệ sinh bếp. Sự việc xảy ra vào ngày 9-7 sau khi nạn nhân vệ sinh bếp suốt 2 giờ bằng chất tẩy rửa chứa amoniac.
Đã có trường hợp tử vong do ngộ độc chất tẩy rửa vệ sinh bếp. Ảnh: Internet
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), amoniac (NH 3 ) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. “Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng, khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao. Lúc này, không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị tử vong ngay lập tức” - vị chuyên gia cho biết.
Vị chuyên gia còn cho biết thêm, nhiều người cho rằng sử dụng chất tẩy rửa pha thêm amoniac sẽ giúp lau rửa sạch sẽ hơn nhưng đây là suy nghĩ cực sai lầm, bởi chúng sẽ sinh ra một loại khí độc tên là chloramine. “Loại khí này gây khó thở và tức ngực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Nồng độ cao của amoniac và chloramine (khí có độc tính cao) còn có thể tạo ra một chất nổ nguy hiểm” - ông nêu rõ.
Để sử dụng chất tẩy rửa đúng cách, PGS-TS Trần Hồng Côn khuyến cáo người tiêu dùng nên: - Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. - Mở cửa cho thông thoáng khi lau dọn phòng bằng chất tẩy rửa. - Không nên đổ chất tẩy rửa sang những loại chai lọ khác nhau vì dễ gây nhầm lẫn. - Chú ý để chất tẩy rửa xa tầm tay trẻ em. - Sau khi dùng chất tẩy rửa xong cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bôi quệt vào da, vào mắt... |