Ngòi nổ cho chiến tranh thương mại Nhật - Hàn

Các nhà phân tích đánh giá động thái thắt chặt kiểm soát xuất nhập khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản vào Hàn Quốc có thể gây hại cho Tokyo và tạo làn sóng ảnh hưởng tới ngành công nghệ thông tin toàn cầu.

Điện thoại màn hình gập của Samsung. Ảnh: Bloomberg

Ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc ba vật liệu được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại và vi mạch. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết động thái này nhiều khả năng sẽ gây đau đầu cho các công ty công nghệ Hàn Quốc.

Những “gã khổng lồ” công nghệ của Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix và LG là đối tượng chịu “thương tích” hàng đầu bởi động thái này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá chính Nhật Bản sẽ phải chịu tổn thất về lâu dài bởi những công ty lớn của Hàn Quốc sẽ buộc phải nghĩ lại về việc sử dụng các linh kiện từ Nhật Bản.

Diễn biến này còn xảy ra ở thời điểm mối quan hệ giữa hai quốc gia xấu đi do tranh cãi liên quan đến việc Nhật Bản ép buộc người Hàn Quốc lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Năm 2018, một tòa án tại Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản phải đền bù cho lực lượng lao động bị ép buộc, nhưng Nhật Bản không đồng ý bởi cho rằng vấn đề đã được giải quyết từ hiệp ước năm 1965 bình thường hóa mối quan hệ với Hàn Quốc.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đánh giá động thái hạn chế này là cần thiết đối với an ninh quốc gia sau khi Hàn Quốc không tìm được giải pháp hợp lý đối với vấn đề lao động chiến tranh trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 6. Ông Suga cho rằng động thái này không có chủ đích chống lại Hàn Quốc mà chỉ do niềm tin giữa hai bên đã không còn.

Màn hình của LG. Ảnh: SCMP

Từ ngày 4/7, các doanh nghiệp Nhật Bản cần đệ đơn đăng ký riêng khi muốn xuất khẩu đến Hàn Quốc chất fluorinated polyimide, hydrogen fluoride và chất cản màu được sử dụng trong sản xuất linh kiện và màn hình điện thoại thông minh, tivi.

Ông Ahn Ki-hyun tại Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Hàn Quốc đánh giá điều này sẽ “giáng đòn” vào các nhà sản xuất vi mạch Hàn Quốc bởi Nhật Bản là nguồn cung cấp hàng đầu những vật liệu trên và rất khó tìm nguồn thay thế. Nhật Bản sản xuất 90% fluorinated polyimides và chất cản màu của thế giới.

Theo quyết định kiểm soát xuất khẩu này, các nhà chức trách Nhật Bản có thể cố ý trì hoãn quy trình rà soát ba vật liệu trong 90 ngày, do đó làm gián đoạn chuỗi cung trong ngành sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong vài tháng tới, các công ty Hàn Quốc sẽ cạn kiệt nguồn vật liệu này và những hạn chế nói trên sẽ buộc họ phải xem xét lại và tìm nguồn cung mới đa dạng hơn. Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm của Nhật Bản thường được ưu ái lựa chọn nhờ chất lượng cao. Tuy nhiên, các mặt hàng từ Mỹ hoặc Trung Quốc cũng được coi là ứng viên thay thế tiềm năng.

Nhà phân tích tại công ty eBEST (Hàn Quốc) đánh giá: “Các công ty Nhật Bản sẽ thấy khó khăn trong việc hạn chế xuất khẩu trong một khoảng thời gian bởi kinh doanh với phía Hàn Quốc đem doanh thu đáng kể về cho họ”.

Chánh văn phòng nội các Suga cũng thừa nhận chính phủ sẽ “theo dõi sát sao tác động tới các doanh nghiệp Nhật Bản”.

Nhà phân tích Kim Dong-won (Hàn Quốc) cảnh báo động thái của Chính phủ Nhật Bản có thể gây tác động tới nhiều quốc gia khác. Samsung, SK Hynix và LG là những nhà cung cấp thẻ nhớ DRAM và NAND hàng đầu trên thế giới cho điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác.

Do vậy, ông Kim Dong-won nhận định: “Hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ dẫn tới giá thành linh liện tăng cao, không chỉ gây tác động cho các công ty Hàn Quốc mà còn nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại khác trên thế giới”.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng khó có khả năng tìm được giải pháp nhanh chóng cho vấn đề bởi Nhật Bản đã xem xét hành động trong nhiều tháng và nhận được ủng hộ từ trong nước. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không muốn vấp phải vấn đề không có lợi trước thềm bầu cử vào năm 2020.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói