Chị Thuỳ Dương năm nay không nhập nhiều đồ chơi về để phục vụ thị trường Trung thu.
Đã có thời gian dài kinh doanh mặt hàng đồ chơi, chị Thuỳ Dung - Chủ cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) chưa bao giờ gặp cảnh buôn bán khó khăn như dịp Tết Trung thu năm nay.
Chị Dung cho biết: “Những ngày này năm ngoái, người dân đã đi mua rất nhiều, người bán không kịp ngơi tay, còn giờ thì chờ mãi mới có khách. Vì thế, mình cũng không mặn mà nhập thêm các loại đồ chơi mới vì sợ ế”.
Thị trường đồ chơi tại Hà Tĩnh đến thời điểm này nhìn chung khá ảm đạm.
Cách đó không xa, anh Nguyễn Bá Đức cũng đang ngồi “rảnh rang” chơi điện thoại, thi thoảng mới có khách ghé đến cửa hàng.
Anh Đức chia sẻ: “Hàng chúng tôi nhập về để bán chỉ bằng 1/3 năm ngoái, mẫu mã cũng kém đa dạng hơn do nguồn cung hạn chế. Khách đến xem đồ chơi và tìm mua giảm nhiều. Những hộ kinh doanh dọc tuyến phố Phan Đình Phùng đều trong tình cảnh ngóng khách, lo lắng cho hoạt động buôn bán của mình”.
Các sản phẩm như đầu sư tử, mặt nạ ông địa, đèn ông sao... không có nhiều biến động về giá.
“Nhìn chung, giá bán các sản phẩm đồ chơi phục vụ riêng cho dịp Trung thu không có nhiều biến động, giá đầu sư tử từ 50.000 - 300.000 đồng/chiếc, mặt nạ ông địa từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc, trống từ 30.000 - 300.000 đồng/chiếc, đèn ông sao phổ biến từ 15.000 - 30.000 đồng/chiếc loại nhỏ và vừa…”, anh Đức cho biết thêm.
Theo các chủ cửa hàng, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 khiến người dân một phần phải thắt chặt chi tiêu. Chị Thuỳ Dung chia sẻ: “Với lại năm nay có nhiều nơi không tập trung rước đèn, phá cỗ quy mô lớn nên không khí mua bán khá trầm lắng”.
Đồ chơi được nhập về để phục vụ khách hàng chủ yếu là đèn lồng, mặt nạ ông địa, trống...
Cùng với mặt hàng đồ chơi, các sạp bán bánh Trung thu đã được dựng lên trên khắp các tuyến đường lớn của TP Hà Tĩnh như: Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập... từ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, khác với không khí sôi động vào thời điểm này mọi năm, các quầy hàng đều vắng vẻ, rất ít khách hàng tới hỏi thăm, mua bánh.
Các quầy hàng bày bán bánh Trung thu cũng trong cảnh thưa vắng người mua.
Đang bày biện lại số bánh Trung thu, chị Nguyễn Thị Thảo - Nhân viên bán hàng Bánh Trung thu Yến Sào Khánh Hoà chia sẻ: “Đáng ra dịp này người mua lẻ phải đông rồi nhưng có hôm ngồi cả ngày không có khách mở hàng, chủ yếu vẫn là người đến mua biếu tặng, làm quà.
Doanh thu trung bình chỉ đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/ngày. Dù dịch Covid - 19 đã được kiểm soát ổn định, nhưng ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế vẫn nặng nề, kéo theo nhiều thay đổi trên thị trường bánh. Chúng tôi đang hy vọng những ngày tiếp theo sẽ khởi sắc hơn chứ không thì mùa bánh năm nay rất dễ bị thua lỗ”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, kinh tế khó khăn nên nhiều người dân cân nhắc chi tiền mua bánh Trung thu.
Sức mua tăng chậm, hầu hết các cửa hàng bán bánh Trung thu đều nhập sản phẩm với số lượng cầm chừng và không “mạnh tay” mua hàng dự trữ.
Về phía người tiêu dùng, Trung thu năm nay cũng sẽ có những thay đổi nhất định trong việc mua sắm cũng như tổ chức “chơi” trăng. Chị Hoa Mai (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cơ quan không tổ chức phá cỗ chung, với lại kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên năm nay gia đình không mua sắm nhiều và dự định tổ chức liên hoan nhỏ ở nhà cho các cháu”.