Người châu Á dễ đỏ mặt khi uống rượu bia - Ảnh: JapanTimes
Con số này trên toàn cầu là 8%, theo một nghiên cứu năm 2009. Vì sao có sự khác biệt này?
Để lý giải, trước tiên ta cần hiểu được cơ chế phân giải rượu của cơ thể.
Chất cồn trong rượu bia khi vào cơ thể được xử lý tại gan qua 2 công đoạn. Đầu tiên enzyme alcohol dehydrogenase hỗ trợ chuyển hóa cồn (ethanol) thành một chất hóa học độc hại acetaldehyde.
Acetaldehyde sinh ra cũng là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác choáng mỗi lần uống rượu bia.
Sau đó, enzym aldehyde dehydrogenase phân giải acetaldehyde thành axit axetic một chất vô hại là thành phần chính của giấm ăn.
Theo tổ chức Sức khỏe Singapore Sing Health, 80%, người dân các nước châu Á chứa các đoạn gene đặc biệt làm cho ezym alcohol dehydrogenase hoạt động với cường độ cao hơn bình thường khiến tăng tốc độ chuyển hóa acetaldehyde, có thể cao hơn gấp 100 lần so với người bình thường.
Hơn nữa, 50% người dân châu Á thiếu hụt gene ALDH2 liên quan đến khả năng hoạt động của enzym aldehyde dehydrogenase. Thiếu ALDH2 làm chậm quá trình chuyển hóa acetaldehyde thành axit axetic.
Acetaldehyde tích tụ trong máu khiến cơ thể nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa và tim đập nhanh hơn.
Nồng độ cồn cao sẽ làm mao mạch giãn trên toàn cơ thể. Những nơi tập trung mao mạch dễ thấy như mắt và các vùng da mỏng như mặt, cổ, lưng, mắt… sẽ đỏ lên trông thấy.
Tích tụ Acetaldehyde cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, nhất là ung thư.
Ước tính ung thư thực quản phổ biến ở châu Á hơn phương Tây, là một loại ung thư nguy hiểm nhất vì 2/3 bệnh nhân tử vong trong vòng năm năm sau khi chẩn đoán. Trong đó Trung Quốc là nước có tỉ lệ mắc ung thư thực quản cao nhất.
Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua cho thấy uống rượu càng nhiều nguy cơ ung thư càng tăng theo cấp số nhân.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa chất cồn trong các loại thức uống vào danh sách chất gây ung thư nhóm 1 sau khi đánh giá nhiều chứng cứ thuyết phục về tác hại gây ung thư ở người.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố năm 2011 khẳng định thức uống có cồn là nguyên nhân của khoảng 4% số ca ung thư ở Anh, tương đương với khoảng 12.000 ca mỗi năm.