Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, Hà Tĩnh tích cực kêu gọi tàu thuyền đang khai thác tại các vùng biển vào bờ tránh trú bão an toàn. Trong ảnh: Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) đưa tàu thuyền vào neo đậu an toàn trước cơn bão số 4
Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá, đến thời điểm này, các đồn biên phòng, Chi cục Thủy sản đã liên lạc được 3.960 tàu thuyền, với 15.753 lao động đang đánh bắt tại các vùng khơi, vùng lộng và vùng bãi ngang. Trong đó, 55 tàu khai thác xa bờ đang hoạt động tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; 3 tàu ở Bình Thuận, Vũng Tàu; 28 tàu ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và 3874 tàu ở vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh. Trong ảnh: Đồn Biên phòng Cửa Sót hướng dẫn ngư dân giằng néo tàu thuyền chắc chắn, tránh va đập khi xảy ra mưa bão.
Hiện, có 177 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với 599 lao động, trong đó 20 tàu hoạt động ở vùng lộng Hà Tĩnh – Nghệ An và vùng ven bờ Hà Tĩnh. Những tàu trên đã nhận được liên lạc đang trên đường vào bờ.
Số tàu thuyền đang neo đậu tại các âu tránh trú bão đang được các địa phương, đồn biên phòng hướng dẫn giằng néo...
* UBND huyện Lộc Hà cũng đang ráo riết triển khai phương án phòng, chống bão số 4. Trong ảnh: Các đơn vị thi công trên tuyến kè biển Thạch Kim tập trung người, phương tiện khẩn trương hoàn thành một số hạng mục trước khi bão vào
Huyện tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tuyến kênh C2, xã Hộ Độ; kè thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ; công trình kè biển xã Thạch Kim.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Nhàn cùng lãnh đạo Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng cá Thạch Kim.
* Triển khai Công điện 04 ngày 28/8/2019 của UBND thành phố Hà Tĩnh về tập trung phòng chống bão số 4, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN yêu cầu các các địa phương, đơn vị có phương án tiêu thoát nước trên đồng ruộng; gia cố bờ bao, chuẩn bị lưới vây đảm bảo an toàn cho thủy sản; thường xuyên cắt cử người túc trực, bảo vệ các cống ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, không cho nước mặn chảy vào đồng ruộng, mở cống tiêu úng phù hợp... Trong ảnh: Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con xã Thạch Môn đang tập trung thu hoạch gọn lúa hè thu trong ngày hôm nay.
Bà con nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Hạ hiện đã cơ bản thu hoạch xong vụ tôm hè thu và đang tập trung gia cố bờ bao, hạn chế sạt lở.
Công ty CP Môi trường và Đô thị Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác cắt tỉa cành cây, đảm bảo kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các hộ trên địa bàn cũng đang tập trung gia cố nhà cửa, chủ động ứng phó với cơn bão số 4
* Tại Hương Sơn, trước tình hình bão số 4 có thể gây mưa, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương phòng chống bão với tinh thần chủ động “4 tại chỗ”. Trong ảnh: Ban CHQS huyện Hương Sơn kiểm tra phương tiện chuẩn bị ứng cứu trong mưa bão.
Người dân thôn 4, xã Sơn Giang chặt tỉa cành cây, đề phòng gió bão.
* Huyện Kỳ Anh đã tổ chức họp các xã, ban hành công điện chỉ đạo phòng chống bão. Sáng nay các xã miền biển như Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang đã tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão; gia cố các hồ đập nuôi trồng thủy hải sản. Trong ảnh: Ngư dân Kỳ Xuân đưa thuyền vào bờ tránh trú bão.
Bên cạnh đó, huyện huy động tối đa lao động, máy móc để thu hoạch 10% diện tích lúa hè thu còn lại ở những vùng đặc thù với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh để xảy ra thiệt hại cho nông dân… Đến nay, toàn huyện đã gặt được hơn 90% diện tích, diện tích còn lại đang xanh. Các chủ đầm tôm Kỳ Thọ di chuyển các loại máy móc ra khỏi vùng NTTS...
...và gia cố, giằng néo các thiết bị trên những vùng nuôi thâm canh
* Để chủ động đối phó với bão số 4, huyện Cẩm Xuyên đã ban hành 2 công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị và phân công các thành viên chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp phòng chống bão với phương châm "4 tại chỗ". Trong ảnh: Bà con ngư dân Cẩm Nhượng hối hả di chuyển ngư cụ, máy móc...
...đưa thuyền vào bờ
...và giằng néo tàu thuyền để chống bão
Các ki ốt kinh doanh tại Thiên Cầm tháo dỡ biển bảng, thực hiện các biện pháp phòng chống trước khi bão đổ bộ
Thời điểm này, huyện tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đến nay huyện đã gọi hơn 1.034 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu, giảm thiểu thiệt hại do bão. Đến nay Cẩm Xuyên đã thu hoạch được trên 70% diện tích lúa…
* Thạch Hà đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống bão như tập trung chằng néo nhà cửa, công trình phúc lợi công cộng, công trình dân sinh; kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn; tổ chức sơ tán dân ở những vùng xung yếu; tập trung xử lý đảm bảo an toàn các công trình xây dựng cơ bản, nhất là đối với hệ thống kè đập, nhà của đang xây dựng dang dở...
Ngay trong đêm 28 và sáng 29/8, các địa phương đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc tập trung ra đồng thu hoạch lúa hè thu. Tính đến 10 giờ sáng 29/8, toàn huyện Thạch Hà đã thu hoạch được trên 70% diện tích. Thạch Hà đang ưu tiên những vùng thấp trũng, vùng dễ úng ngập thu hoạch trước để chạy bão. Huyện Thạch Hà cũng đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan đơn vị dừng, hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác chống bão.
* Trước diễn biến của bão, UBND thị xã Kỳ Anh yêu cầu Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Đồn Biên phòng Đèo Ngang, Đồn Biên phòng Kỳ Khang cùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nắm chắc số lượng, phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển và kêu gọi, hỗ trợ các phương tiện vào bờ, tránh trú bão an toàn. Trong ảnh: Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện đi kiểm tra công tác tránh, trú, neo đậu tàu thuyền tại Âu tránh trú bão của xã
Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa hè thu...
...gia cố ao đầm, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng thị xã, các xã, phường có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công dang dở và vùng lân cận khi có mưa lũ lớn xảy ra. Trong ảnh: Gia đình anh Trần Đình Ngoạn - tổ dân phố Quyền Hành - phường Kỳ Trinh đắp bờ hồ tôm tránh bão.
Tàu thuyền ở Kỳ Hà đã vào âu tránh trú bão
... ngư dân vận chuyển ngư cụ từ thuyền lên bờ trước bão
* Tại Nghi Xuân, để hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả do bão gây ra, huyện đã chỉ đạo các xã hoàn tất thu hoạch toàn bộ diện tích lúa đã chín tương ứng với 350 ha trong ngày hôm nay (29/8); kêu gọi tàu thuyền tập kết an toàn.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân kiểm tra tàu thuyền tránh trú bão tại Cảng cá Xuân Hội...
... và công trình thi công đập tiêu úng tại thôn 1 xã Xuân Lam.
* UBND huyện Đức Thọ đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành dừng tất cả các hoạt động, tập trung cho phòng chống mưa bão. Trong ảnh: Người dân xã Đức Vĩnh (Đức Thọ) chằng néo, dùng bao cát gia cố mái tôn phòng chống bão...
huy động lực lượng...
...chặt tỉa cây xanh ven đường đề phòng cây đổ do bão.
Trước tình hình bão số 4 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang đang gấp rút vào cuộc ứng phó. Lãnh đạo các phòng, ngành đã xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó. Cùng với đó, các địa phương, nhân dân, doanh nghiệp cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong ảnh: Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của bão số 4, Ban Quản lý Công trình thủy lợi (Nghệ An) đang gấp rút hoàn thành những hạng mục dễ bị mưa lũ tác động tại đập Khe Thuôc (xã Hương Minh).
Hiện nay, Vũ Quang đang còn 164 ha lúa hè thu chưa gặt nên bà con đang gấp rút ra đồng để thu hoạch xong trước khi mưa bão về (ảnh người dân Hương Thọ đang gấp rút thu hoạch xong 50ha lúa Hè Thu đang chín ở trên đồng).