Tình trạng đón xe dọc đường đã được hạn chế rất nhiều
Tối ngày 5/2 (mùng 5 tết Nhâm Dần), anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1985, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) cùng vợ và 2 con ra Bến xe Hà Tĩnh mua vé trở lại Hà Nội sau gần 10 ngày về quê ăn tết cùng gia đình. Dù không liên hệ trước với nhà xe nhưng vợ chồng anh vẫn mua được 4 vé tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội với giá 350.000 đồng/vé.
“Ban đầu, cả nhà tính qua rằm tháng Giêng mới trở lại Hà Nội nhưng vì trường học của con thông báo sẽ dạy học trực tiếp từ ngày 10/2 nên phải ra sớm hơn để chuẩn bị. Do không đặt trước nên vợ chồng cứ lo sẽ khó mua được vé. Vé dịp tết có tăng so với ngày thường khoảng 50.000 – 70.000 đồng/vé nhưng tôi thấy giá này là khá hợp lý” - anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Là công nhân cho một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1990, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cùng gia đình về quê ngoại ăn tết và dự tính sẽ ở lại thêm cùng cha mẹ và chỉ đi sau ngày 10/2.
Tuy nhiên, chiều ngày 5/2, khi công ty gọi điện ra báo có đơn hàng cần giao gấp cho đối tác, chị phải tạm gác việc gia đình, bắt xe trở lại nơi làm việc vào sáng 6/2. Điều khiến chị Lan Anh lo lắng là việc mua vé gấp sẽ khó và có thể bị “ép giá”.
“Tuy nhiên, khi mình liên hệ qua điện thoại cho nhà xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Đà Nẵng thì được thông tin là còn chỗ với giá 300.000 đồng/vé cho xe giường nằm và 350.000/vé dành cho xe chất lượng cao. Giá vé này có tăng hơn ngày thường chừng 30% nhưng mình thấy không vấn đề gì. Ngày tết mà” - chị Lan Anh chia sẻ.
Bến xe Hà Tĩnh vẫn hoạt động khá trầm lắng trong dịp tết Nhâm Dần.
Theo tìm hiểu của Báo Hà Tĩnh, dịp sau tết, nhất là từ ngày mùng 4 trở đi, hàng nghìn người lao động, học sinh, sinh viên Hà Tĩnh sẽ trở lại Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… để chuẩn bị cho công việc, học tập sau quãng thời gian trở về quê ăn tết cùng gia đình.
Thời điểm này của những năm trước, các nhà xe phải rất vất vả, xe vừa về bến là quay đầu chạy tiếp, thậm chí là huy động thêm các xe hợp đồng để phục vụ đủ nhu cầu hành khách. Việc đi xe khách dịp tết thường trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít người bởi giá vé tăng gấp 2, gấp 3 trong khi chất lượng phục vụ thì ngược lại.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì lượng hành khách sụt giảm rất nhiều. Dịp sau tết Nhâm Dần năm nay cũng không ngoại lệ khi lượng khách chỉ bằng khoảng 30% so với tết những năm trước.
Giá vé xe khách dịp sau tết Nhâm Dần tăng khoảng 30% so với ngày thường. Cụ thể, vé tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội dao động 300.000 – 400.000 đồng/vé, xe giường nằm chất lượng cao 450.000 đồng/vé giường đơn và 800.000 đồng/vé giường đôi; tuyến Hà Tĩnh – Huế, Đà Nẵng từ 250.000 – 350.000 đồng/vé; tuyến Hà Tĩnh – TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng/vé.
“Đơn vị có 10 xe và đã chạy từ ngày mùng 2 tết nhưng chỉ hoạt động 60% số phương tiện hiện có. Nếu như trước khách phải đặt vé đi/về từ trước tết và phải chuyển tiền cọc để giữ chỗ thì năm nay rất ít người đặt vé trước. Bây giờ, trước khi đi họ chỉ cần liên hệ qua điện thoại là gần như vẫn còn vé", anh Nguyễn Huy Khánh – chủ nhà xe Khánh Truyền thông tin.
Một số doanh nghiệp còn cho xe chở công nhân Hà Tĩnh về quê và sẽ đón trở lại để đảm bảo hiệu quả công việc và phòng chống dịch COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh Bùi Phan Lương, thời điểm sau tết, trung bình mỗi ngày có từ 30 – 40 lượt xe xuất bến. Nếu so với tết những năm trước thì số lượng xe xuất bến giảm nhưng so với thời điểm từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới nay thì lại có tăng nhẹ.
“Dịp trước tết, lượng lao động xa quê về Hà Tĩnh ăn tết khá đông và các trường học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện cũng đã bắt đầu có kế hoạch đón học sinh, sinh viên trở lại trường nên nhu cầu đi xe khách đã tăng hơn so với trước. Tuy vậy, ít có khả năng xảy ra tình trạng cháy vé hay việc các nhà xe phải huy động thêm phương tiện để phục vụ nhu cầu của người dân” - ông Bùi Phan Lương thông tin.