Người đàn ông câm điếc và con đường tìm đến hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Chịu cảnh câm điếc suốt đời nhưng anh Lê Ngọc Khánh (SN1979, thôn Kim Nam Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã tìm ra hạnh phúc bằng khát vọng sống và nỗ lực phi thường.

Khát vọng tự lập

Lên 1 tuổi phát hiện ra anh Khánh không có khả năng nghe và nói, gia đình đưa anh đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ trong cả nước để tìm cách chữa trị, nhưng chỉ nhận câu kết luận phũ phàng: Bị di chứng chất độc da cam, phải chịu câm điếc suốt đời.

Anh Khánh độn cát trước khi vào công đoạn tạo hình ghế

Chưa một ngày đến trường, cậu bé Lê Ngọc Khánh chỉ học chữ qua những người chị em ruột. Lên 13 tuổi, Khánh được giới thiệu vào Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen, Hà Tĩnh nhưng anh không chọn được nghề phù hợp. Khánh trở về nhà tự mày mò học nghề làm bàn ghế xi măng dưới sự chỉ dạy của người anh rể.

Trao đổi với chúng tôi bằng tin nhắn, anh Khánh Chia sẻ: “Mình không nghe cũng không nói được nên khi học nghề phải chăm chú, tập trung những động tác người khác để học theo, có động tác mình học cả một tuần mới hiểu. Khó khăn lắm nhưng niềm đam mê đã giúp mình quyết tâm học và thành nghề như hôm nay”.

Những sản phẩm từ đôi bàn tay của anh Khánh

Bà Hoàng Thị Trường (gần 70 tuổi) hạnh phúc kể về đứa con trai mê làm bàn ghế đá: “Tôi có 4 người con, chỉ có Khánh là bị tật bẩm sinh nên cả gia đình ai cũng thương, không bắt nó phải làm gì cả. Nhưng, nó đòi đi theo anh rể làm bàn ghế đá. Lúc đầu chỉ nghĩ nó đi theo phụ giúp, không nghĩ Khánh có hoa tay và làm ra những sản phẩm đẹp như thế này”.

Sau khi trở thành một thợ nghề thành thạo, Khánh được gia đình mở xưởng nhỏ làm bàn ghế đá. Được làm chủ, anh như có thêm động lực phát huy đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của mình. Càng ngày, tay nghề của Khánh càng nâng cao. Những sản phẩm càng đa dạng, phong phú. Chỉ với chất liệu là cát và xi măng, Khánh đã làm thành những sản phẩm đẹp, phù hợp thiên nhiên, trông giống như đồ gỗ.

Anh Khánh và sản phẩm do mình sáng tạo ra

Với sự hỗ trợ giao dịch của các chị ruột, sản phẩm của anh Khánh được bà con xung quanh, rồi các trường học trên địa bàn tìm đến đặt mua. Trung bình mỗi tháng, anh Khánh làm ra 2 đến 3 bộ bàn ghế đá, mỗi bộ bán ra 2 triệu.

Tình yêu kết trái

Trong những lần sang xã bên giao hàng, như một cơ duyên sắp đặt, anh Khánh gặp chị Trần Thị Hải (SN 1986) người cùng cảnh ngộ. Anh chị cùng chung một ngôn ngữ ký hiệu, thấu hiểu và đồng cảm từ trái tim.

2 đứa con kháu khỉnh của vợ chồng anh Khánh

Được sự đồng ý của gia đình, năm 2008, anh chị tổ chức đám cưới. Tình yêu thêm đơm hoa kết trái khi anh Khánh và chị Hải có thêm hai người con.

Bé gái đầu là Lê Thị Khánh Trang (SN 2010), bé trai thứ 2 là Lê Ngọc Quang (sinh năm 2016). Cả hai bé đều kháu khỉnh, đáng yêu và điều tuyệt vời là: khả năng nghe và nói đều bình thường!. Hiện nay, bé Lê Thị Khánh Trang đang học lớp 3 Trường Tiểu học Kỳ Tân, bé Lê Ngọc Quang đã đi nhà trẻ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói