Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

(Baohatinh.vn) - VĐV Hà Tĩnh Hoàng Thị Mỹ Tâm tiếp tục thi đấu thăng hoa tại SEA Games 32 với 2 tấm HCV. Đằng sau thành công của Tâm luôn có vai trò quan trọng và sự hy sinh thầm lặng của mẹ em - chị Nguyễn Thị Hòe.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm giành 2 HCV môn Karate tại SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Hai ngày qua, ngôi nhà của gia đình VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm (SN 2003) ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà luôn tấp nập người đến chia sẻ niềm vui chiến thắng. Tất cả đều phấn khởi, tự hào khi người con quê nhà xuất sắc giành 2 tấm HCV môn karatedo tại SEA Games 32 trên đất Campuchia.

Đằng sau những kỳ tích mà Mỹ Tâm mang lại cho thể thao nước nhà là những câu chuyện đầy cảm hứng về nghị lực phi thường, tình thương của gia đình đã giúp Tâm vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để đi đến vinh quang. Trong hành trình đó, với Tâm, mẹ là người đặc biệt nhất. Sự hy sinh lớn lao của mẹ đã giúp em có được thành công như ngày hôm nay.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

Chị Nguyễn Thị Hòe - mẹ VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm.

Nhắc đến Tâm, chị Hòe rơm rớm nước mắt. Chị kể, tuổi thơ của Tâm gắn liền với nhiều nỗi vất vả, nhọc nhằn. Gia đình đông con, vợ chồng chị phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ trồng lúa, buôn cau, bán bánh giò… Cái thuở hồn nhiên, trong trẻo của Tâm đã phải sớm bươn chải, làm lụng đủ việc nặng nhọc để phụ giúp gia đình. Từ cuốc đất cho đến gánh lúa, chăn trâu, cắt cỏ… việc nào Tâm cũng phải làm.

Chị Hòe là người yêu thể thao và chơi tốt một số môn. Sau những buổi lao động mệt nhọc, thời gian rảnh rỗi chị dạy cho Tâm chơi bóng đá, bóng chuyền để giúp con có thêm sức khỏe. Tâm đến với thể thao trong hoàn cảnh khó khăn như thế.

Điều bất ngờ với người mẹ “chân lấm, tay bùn” thủa ấy, là con mình rất thích thú với thể thao. Ra đồng phụ giúp bố mẹ, Tâm xem việc gánh lúa như là nâng tạ, hồn nhiên chạy nhanh khắp cánh đồng. Những buổi đi chăn trâu, Tâm mang theo quả bóng để chơi với lũ bạn. Về nhà, em lại cùng mẹ ra nhà văn hóa thôn để chơi bóng chuyền. Từ sự chắp cánh và chỉ dạy của mẹ, thể thao đã ngấm vào máu Tâm. Chỉ sau thời gian ngắn chơi thể thao, Tâm trở thành nhân tố quan trọng trong các cuộc thi đấu ở trường học.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

Chặng đường gắn bó với karate của Tâm (bên trái) chứa đựng nhiều khó khăn, vất vả.

Những ngày con tham gia thi đấu các môn thể thao ở trường, ở huyện, dù bận nhiều việc đồng áng nhưng chị đều gác lại để đồng hành và cổ vũ cho con. Khi cuộc chơi của con kết thúc, cũng là lúc người mẹ đội đèn pin ra đồng gặt lúa, trỉa lạc. Vất vả là vậy nhưng khi nhìn con giành giải thưởng, chị Hòe luôn có thêm động lực để tiếp tục sát cánh cùng con gái trên hành trình chinh phục những thành tích thể thao mới.

Con đường đến với môn Karate của Tâm cũng gắn liền với mẹ. Năm Tâm học lớp 7, chị Hòe xin cho em vào CLB karate ở trường học. Nhận thấy con mình có tố chất võ thuật, chị Hòe quyết tâm cho con đi theo con đường chuyên nghiệp.

“Ngày đó, tôi chỉ biết Karate là môn võ, muốn cho con tập luyện để có sức khỏe, rèn luyện thân thể. Người thân, họ hàng phản đối, cho rằng con đường này không có tương lai nhưng tôi vẫn quyết định cho Tâm theo đuổi” – chị Hòe nhớ lại.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

Vợ chồng chị Hòe bên các tấm huy chương mà con gái đạt được trong những năm qua.

Và rồi Tâm không phụ lòng mẹ, chỉ sau một thời gian ngắn đến với Karate, Tâm đã lọt vào đội trẻ quốc gia và chuyển vào TP Hồ Chí Minh tập luyện. 13 tuổi con gái xa nhà, sống tự lập, chị Hòe lo lắng không yên, ngủ không ngon giấc. Vào TP Hồ Chí Minh chưa được lâu, Tâm không may dính chấn thương rất nặng, phải điều trị đến 8 tháng. Thương con, chị lại vất vả xoay xở ngược xuôi tìm kiếm thêm việc làm, chắt bóp gửi thêm tiền cho con thuốc thang, thường xuyên tranh thủ vào thăm, động viên con cố gắng điều trị....

“Quãng thời gian chấn thương nặng khiến con suy sụp, có ý nghĩ từ bỏ tất cả để về quê. Tôi và mọi người trong gia đình luôn an ủi, sát cánh cùng Tâm để con yên tâm triều trị. Và rồi, với điểm tựa vững chắc từ tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp Mỹ Tâm có thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn, tiếp tục khẳng định bản thân với những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp của mình", chị Hòe tâm sự.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

Bằng ý chí và nghị lực, Mỹ Tâm giờ đây đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể.

Chưa đầy 5 năm, cô con gái bản lĩnh, đáng yêu của chị Hoè đã chinh phục được nhiều đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Có thể kể đến như: HCĐ Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2017, lứa tuổi 12-14; 2 HCV Giải Karate Đông Nam Á năm 2017-2018, lứa tuổi 15-17; HCV Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2019, lứa tuổi 15-17...

Hành trình vinh quang ấy của Tâm ngoài ban huấn luyện còn là sự chỉ bảo, động viên của bố mẹ. Đối với chị Hòe, niềm vui của gia đình là con gái trưởng thành, được vinh dự khoác lên màu áo tuyển quốc gia.

Người đứng sau thành công của “cô gái vàng” Hoàng Thị Mỹ Tâm

Chị Hoè (giữa) và Mỹ Tâm (bên trái) cùng em gái Mỹ Phương (hiện cũng đang nối nghiệp chị).

“Giờ đây, mỗi khi Tâm chuẩn bị bước vào giải đấu lớn, tôi đều động viên con: Tự tin, cố gắng vì màu cờ sắc áo của dân tộc con nhé, mọi người luôn ở bên con”, người mẹ của “cô gái vàng” thể thao Việt Nam - Hoàng Thị Mỹ Tâm chia sẻ.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

“Cô gái vàng” của đua thuyền Hà Tĩnh

“Cô gái vàng” của đua thuyền Hà Tĩnh

7 năm gắn bó với đua thuyền, vận động viên Lê Thị Phương (SN 2003, xã Cẩm Vịnh, TP Hà Tĩnh) đã mang về gần 40 huy chương, trở thành trụ cột đội đua thuyền tỉnh nhà và đội tuyển quốc gia.
Ấn tượng giải chạy Hà Tĩnh Half Marathon 2024

Ấn tượng giải chạy Hà Tĩnh Half Marathon 2024

Với quy mô hơn 1.100 VĐV, Hà Tĩnh Half Marathon 2024 không chỉ là một sân chơi thể thao bổ ích, mà còn là một cơ hội quảng bá hình ảnh về con người, văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế của TP Hà Tĩnh.
Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.