Người dân thôn 4 (xã Ân Phú) giao lưu bóng chuyền, rèn luyện sức khoẻ tại nhà văn hoá thôn.
Đều đặn mỗi buổi chiều, tại nhà văn hóa thôn 4 (xã Ân Phú) luôn rộn ràng tiếng nói cười, vui vẻ; người lớn thì đánh bóng chuyền, đánh cờ, trẻ em vui chơi, tập văn nghệ…
Bà Trần Thị Lan - Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết: “Nhà văn hóa luôn là điểm gắn kết người dân. Nơi đây đóng vai trò vừa là nơi hội họp vừa là nơi vui chơi, giao lưu, gắn kết tình cảm của mọi người. Đồng thời, cũng là không gian sinh hoạt hè cho thiếu nhi, sinh hoạt thường kỳ của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...”.
Với người dân thôn 4 (xã Ân Phú), nhà văn hoá thôn vừa là nơi để sinh hoạt, vừa là nơi vui chơi, giao lưu và gắn kết tình cảm làng xóm.
Cũng theo bà Lan, nhà văn hóa thôn 4 được xây dựng từ năm 2015, khuôn viên rộng hơn 400m2, có sân bóng chuyền, sân vui chơi, với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, nhà văn hóa còn được xây dựng nhờ nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của người dân trong thôn và con em xa quê.
Ông Nguyễn Văn Ninh (thôn 4) chia sẻ: “Khi nhà văn hóa thôn được hoàn thành, chúng tôi rất tự hào bởi đây là công trình do Nhân dân và Nhà nước cùng đóng góp xây dựng, thể hiện rõ tình đoàn kết, chung sức, đồng lòng. Đặc biệt, công trình được quan tâm bổ sung thêm nhiều hạng mục như: sân chơi, sân bóng chuyền, tủ sách báo… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của bà con trong thôn”.
Người dân thôn Hợp Lợi (xã Hương Minh) luôn giữ gìn vệ sinh tại khuôn viên nhà văn hóa thôn.
Trên địa bàn huyện Vũ Quang, hầu hết các hoạt động của cộng đồng dân cư đều tập trung về nhà văn hóa thôn. Với sự quan tâm, đầu tư khá đồng bộ, các nhà văn hóa đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.
Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã xây mới 6 nhà và nâng cấp 4 nhà văn hóa thôn; xây dựng 3 nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ, với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.
Người dân thôn Liên Châu (xã Đức Liên) ra quân chỉnh trang nhà văn hóa, tạo không gian sinh hoạt thoáng mát, bổ ích cho bà con trong thôn sau mỗi ngày lao động vất vả.
Ông Đào Văn Việt (thôn Liên Châu, xã Đức Liên) cho biết: “Từ khi có nhà văn hóa khang trang, sân tập rộng rãi, Nhân dân trong thôn rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Thế nên, khi thôn kêu gọi người dân góp sức để chỉnh trang, tạo cảnh quan nhà văn hóa, chúng tôi đều sẵn lòng. Bởi làm đẹp cho nhà văn hóa thôn cũng giống như làm đẹp cho ngôi nhà của mình”.
Được biết, để nhà văn hóa thôn phát huy hết công năng, xã Đức Liên đã tập trung nguồn kinh phí xây dựng kiên cố 100% nhà văn hóa thôn; đồng thời, đầu tư các thiết bị, bàn ghế nhằm khuyến khích người dân đến hội họp, vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Từ năm 2018 đến nay, xã Đức Liên đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp các nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: "Nhà văn hóa thôn đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của Nhân dân địa phương, nơi đây cũng trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, địa phương đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp, chỉnh trang các nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con”.
Các em nhỏ vui chơi tại nhà văn hóa thôn Hương Giang (xã Đức Hương).
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vũ Quang Nguyễn Minh Đức cho biết: “Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nhà văn hóa thôn, những năm qua, chúng tôi đã tích cực kêu gọi Nhân dân cùng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, sửa chữa các hạng mục bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhờ đó, đến nay 79/79 nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện đều có khu thể thao, khu vui chơi giải trí đạt chuẩn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm đầu tư thêm các công trình phụ trợ như: nhà để xe, khu vệ sinh, wifi, dụng cụ tập thể dục thể thao... nhằm thu hút mọi người đến sinh hoạt, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân”.