Nhân viên ngân hàng, tiểu thương ở Hà Tĩnh mỏi tay đếm tiền lẻ sau Tết

(Baohatinh.vn) - Sau tết, tiền lẻ quay trở về thị trường hoặc vào ngân hàng để thực hiện vòng quay mới. Việc "thâu" lượng lớn tiền lẻ gấp nhiều lần bình thường khiến người kinh doanh lẫn nhân viên ngân hàng ở Hà Tĩnh “mệt nghỉ” kiểm đếm…

Sau tết, số lượng lớn tiền lẻ sẽ quay trở về ngân hàng để thực hiện vòng quay lưu thông mới

Nhà buôn “mệt nghỉ” thu tiền lẻ…

Mở hàng sau dịp Tết, chị Bùi Thị N. – một chủ shop quần áo trên đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh hết “vật lộn” với hàng mới lại đến chuyện thu tiền lẻ từ khách đến mua hàng. Thay vì những loại tiền mệnh giá lớn 100.000 - 500.000 đồng như trước đây thì những ngày mở cửa trở lại, chủ yếu chị thu về những loại tiền mệnh giá 20.000 đồng.

Chủ shop “khoe” doanh thu từ tiền lẻ “lì xì”

Đếm tiền lẻ đôi khi khiến chị “hoa cả mắt”, dễ bị nhầm lẫn, thiếu - thừa tiền khách trả. Chị N. cho hay: “Nếu trước đây giá trị một món đồ chỉ khoảng một vài tờ tiền chẵn thì nay cả xấp tiền lẻ 10.000 - 20.000 đồng. Kiểm đếm hơi mất công nhưng toàn tiền “lì xì” mới mở hàng đầu năm nên vẫn rất vui”.

Vào dịp Tết Nguyên đán, thói quen của người Việt thường đổi tiền lẻ để mừng tuổi và đi đền, chùa… Và, kết thúc dịp nghỉ trọng đại nhất trong năm này thì tiền lẻ quay trở lại như một phương tiện thanh toán, giao dịch và “chiếm sóng” toàn bộ các thị trường. Tiền lẻ dùng để “đi” chợ, thanh toán mua hàng ở nhà hàng, siêu thị…

Tiền lẻ “theo” người dân ra chợ

Bà Nguyễn Thị Nga - tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh cho hay: “Trong tết thì mệt mỏi với chuyện đổi tiền lẻ, bây giờ thì tha hồ mà dùng. Cứ mười khách thì cả mười đều dùng tiền lẻ chi tiêu”.

Ngân hàng bận rộn “mùa” kiểm đếm…

Vào dịp sau Tết Nguyên đán, một lượng tiền lẻ khá lớn được luân chuyển về ngân hàng. Ngoài nộp vào tài khoản, gửi tiết kiệm thì ngân hàng còn “tiếp nhận” lượng tiền lẻ “khổng lồ” từ các đền, chùa trên địa bàn.

Phòng Giao dịch Vietcombank Kỳ Anh thu tiền lẻ nộp vào ngân hàng sau Tết Canh Tý

Đóng trên địa bàn có ngôi đền nổi tiếng (đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thường gọi là đền Bà Hải), hầu như năm nào, Phòng Giao dịch Vietcombank Kỳ Anh cũng phải bố trí lực lượng, kế hoạch chủ động để thực hiện kiểm đếm, phân loại tiền lẻ thu nộp về ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Trưởng Phòng Giao dịch Vietcombank Kỳ Anh cho biết: “Hàng năm, đơn vị đều phối hợp với ban quản lý di tích đền để có kế hoạch phối hợp thu nộp hợp lý. Tuy nhiên, số lượng lớn, nhiều loại mệnh giá từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng đến 5.000 - 10.000 đồng, nhất là không phải loại tiền nào cũng như nhau, có số còn mới, số đã cũ, số không đủ tiêu chuẩn lưu thông… nên việc kiểm đếm khá vất vả và mất thời gian”.

Kiểm đếm, phân loại tiền theo mệnh giá, tiêu chuẩn lưu thông khá mất thời gian và công sức của ngân hàng vào dịp sau tết

Trong đợt đầu tiên, Phòng Giao dịch Vietcombank Kỳ Anh đã thu được 16.000 tờ loại mệnh giá 10.000 đồng, 6.000 tờ loại mệnh giá 20.000 đồng và hàng chục nghìn tờ mệnh giá nhỏ 1.000 - 2.000 đồng. Theo đó, số lượng tiền lẻ 1.000 - 2.000 đồng chiếm khoảng 65 - 70% tổng lượng tiền thu vào.

Không riêng ở đây, tiền lẻ “quá tải” ở đền, chùa hiện đang diễn ra khá phổ biến bởi người dân vẫn còn nặng tâm lý đến cửa nhà Phật, ngoài hoa quả, nhang hương thì cần dâng tiền “dương” (tiền mặt do Nhà nước phát hành chính thức) như một dạng tiền hương hoa, giọt dầu bày tỏ lòng thành kính của mình đến “bề trên”.

Tiền giấy là phương tiện để trao đổi, mua bán, phục vụ lưu thông tiền tệ chứ không phải để phục vụ nhu cầu tâm linh. Do đó, các địa phương, ban quản lý các đền, chùa… cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, nếu thí chủ có lòng thành thì chỉ nên tập trung tiền công đức vào một chỗ...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói