Nhiều cửa hàng thời trang ở TP Hà Tĩnh giảm giá sâu vẫn vắng khách

(Baohatinh.vn) - Dù đã giảm giá hết cỡ, sale “sập sàn” nhưng các cửa hàng thời trang tại TP Hà Tĩnh vẫn rơi vào tình trạng đìu hiu, ế ẩm.

Mở bán trở lại sau những ngày đóng cửa phòng chống dịch Covid-19, shop thời trang nữ Vy Oanh (đường Lý Tự Trọng) liền chạy chương trình sale (giảm giá) từ 20 – 50% để “đẩy hàng” và thu hồi vốn. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm hiện nay vẫn chỉ bằng khoảng 30% so với trước đây.

Nhân viên shop thời trang Vy Oanh sắp xếp lại hàng hóa.

Chị Dương Kiều Oanh – chủ shop Vy Oanh cho hay: "Thông thường vào mùa hè, hàng thời trang bán chạy vì khách mua để đi du lịch rất nhiều. Nhưng dịch bệnh như thế này, không kể những ngày đóng cửa phòng dịch, lúc mở cửa cũng không ai đi mua nên sản phẩm mới cũng phải sale. Nhiều mẫu phải sale lỗ vốn hoặc ngang giá để mong thu hồi vốn”.

Trong khi đó, cửa hàng My’s Fashion (đường Hà Huy Tập) lại quyết định chọn chương trình sale đồng giá để “giải quyết” hàng tại shop.

Cửa hàng My’s Fashion treo biển giảm giá trong mùa dịch.

Chị Võ Thị Bắc – chủ cửa hàng My’s Fashion cho hay: “Các mặt hàng như quần âu, áo kiểu, váy vóc, bộ mặc nhà… tôi đều xả đồng giá: 159.000 đồng, 239.000 đồng/2 bộ. Chưa bao giờ buôn bán ế ẩm như thế này. Hàng quần áo phải cập nhật thường xuyên, hàng cũ sẽ bị lỗi mốt nên tôi đành chọn việc giảm giá sâu như thế này”.

Theo ghi nhận, nếu như nhiều đợt sale trước, các cửa hàng chỉ sale một số sản phẩm (thường hàng mới ít giảm giá hoặc chỉ giảm nhẹ - PV) thì dịp này hầu như tất cả các mặt hàng đều được giảm giá. Trong đó, rất nhiều mặt hàng hạ giá với mức bằng hoặc thấp hơn giá nhập vào bởi tiểu thương mong “bán tống, bán tháo” để thu hồi vốn.

Cửa hàng thời trang 20Again Hà Tĩnh sale 50% cả những hàng mới nhưng tình hình mua bán vẫn hết sức ảm đạm.

Chị Đinh Thị Quỳnh Anh – quản lý cửa hàng thời trang 20Again Hà Tĩnh (đường Trần Phú) cho biết: Dù đang chạy chương trình giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng, kể cả những bộ sưu tập mới nhưng tình hình mua bán vẫn hết sức ảm đạm. Mở cửa hàng thời điểm này là để duy trì việc làm chứ thực sự rất khó khăn. Riêng tiền thuê mặt bằng đã là 15 triệu đồng/tháng, cộng thêm các chi phí khác thì doanh thu không thể bù nổi.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nắm được tâm lý người dân ít đi lại, hầu hết các cửa hàng đều tập trung vào bán hàng online. Trên mạng xã hội, các chủ shop liên tục đăng bài, livestream về chương trình, sản phẩm giảm giá.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều chủ shop thời trang đăng bài giảm giá để thu hồi vốn.

Chị Hoàng Thị Ánh Ngọc – chủ shop thời trang trên đường Lý Tự Trọng chia sẻ: Trong thời gian đóng cửa, tôi chủ yếu livestream bán online nhưng cũng chỉ lải rải được vài đơn hàng. Vừa được mở cửa trở lại kinh doanh, tôi nhập hàng mới về thì ngày 28/6 lại xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tình hình này thì sức mua còn giảm nữa, lô hàng mới nhập về cũng đành phải hạ giá bán để hồi vốn.

Cửa hàng thời trang nam trên đường Lý Tự Trọng dù treo biển “lẩu sale” nhưng vẫn vắng hoe.

Theo các chủ shop, tình trạng ế khách kéo dài khiến vốn bị đọng khá lớn. Trong khi hàng thời trang chạy theo mốt, các mẫu mã chỉ bán theo thời điểm, nếu không bán được sẽ bị lỗi mốt, tồn kho. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến kinh tế eo hẹp, người dân thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, người dân chủ yếu chỉ ở nhà, hạn chế đi du lịch… nên nhu cầu mua sắm quần áo giảm. Bởi vậy, dù chạy các chương trình siêu giảm giá nhưng hàng thời trang vẫn ế ẩm.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Bùi Thị Thúy (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Là người đam mê mua sắm quần áo, trước đây mỗi khi xem trên mạng, thấy cái nào ưng ý là tôi “chốt đơn” luôn nhưng từ năm ngoái tới nay, tôi cũng ít mua hẳn. Trong lúc dịch bệnh này, hầu như chẳng đi đâu nên nếu mua về rồi để đó, sau cũng bị lỗi mốt hoặc không còn muốn sử dụng nữa. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay".

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói