Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện còn 51 lối đi tự mở qua đường sắt trải dài trên 45km đường sắt quốc gia, thuộc địa bàn 6 xã gồm: Điền Mỹ, Hương Thủy, Gia Phố, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã bắt tay tuyên truyền và thực hiện xóa bỏ các lối mở. Như tại xã Hương Thủy, những ngày cuối năm 2024, địa phương đã phối hợp tổ chức lực lượng, huy động máy móc phá bỏ 2 lối đi tự mở qua đường sắt tại Km 380+430, đoạn giáp thôn 1 và thôn 2 và đoạn Km 377+410, thuộc thôn 4.
Ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy chia sẻ: "Trên địa bàn vẫn còn 7 lối đi tự mở qua đường sắt. Thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của bà con nhân dân trong việc xóa bỏ lối đi tự mở cắt ngang đường sắt. Trong 7 lối mở còn lại, chúng tôi đã vận động người dân và kêu gọi xã hội hóa để xóa bỏ 5 lối mở tại khu vực ga Chu Lễ trong thời gian tới. Tuy nhiên, với 2 lối mở còn lại đi qua các trục đường lớn, cần xây dựng cống chui. Việc này cần nhiều kinh phí và nằm ngoài khả năng địa phương. Vì vậy, công tác xóa toàn bộ lối mở trên địa bàn đang có nguy cơ chậm tiến độ".
Ghi nhận trên địa bàn huyện Hương Khê, hầu hết các tuyến đường dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ lâu. Các lối đi không có rào chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua đường sắt.
Xác định việc xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt là cần thiết, huyện Hương Khê đã xây dựng kế hoạch xóa bỏ 51 lối mở. Trong đó, đối với 8 lối đi tự mở (từ Km 364+370 đến Km 368+333, thuộc xã Điền Mỹ) đã có dự án do BQL Dự án Đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; 1 lối đi tự mở (tại Km 381+485) nằm trong dự án cải tạo tuyến đường sắt đoạn qua xã Hương Thủy được thiết kế đường gom về Km 381+800 có cần chắn tự động. Hiện, địa phương đang phối hợp với chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Đối với 6 lối đi tự mở từ Km 380+580 đến 380+680 tại Ga Chu Lễ liên quan đến các hộ dân xây dựng nhà ở trong khu vực đất của nhà ga, UBND xã Hương Thủy đã làm việc với các hộ dân và cơ quan quản lý đường sắt và sẽ sớm xóa bỏ.
Tuy nhiên, còn 14 lối đi tự mở khác (có thể xóa bỏ độc lập) và 22 lối đi tự mở là đường giao thông phục vụ Nhân dân đi lại thường xuyên (không thể xóa bỏ độc lập) đến nay chưa có nguồn kinh phí để triển khai. Theo kế hoạch của UBND huyện, trong 36 lối mở này cần xây dựng 10 cần chắn tự động, 4 cống chui, 4 vị trí xây dựng đường gom với tổng chiều dài 2,138 km. Các công trình này đều cần nguồn kinh phí lớn.
Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Phó Trưởng ban An toàn giao thông huyện Hương Khê cho biết, do nguồn lực để xây dựng rất lớn nên cần sự hỗ trợ từ các cấp. Cụ thể, địa phương đã tham mưu đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng 6 cần chắn tự động với tổng kinh phí 24 tỷ đồng; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 4 cần chắn tự động, 4 cống chui và 2,138 km đường gom, hàng rào bảo vệ, với tổng kinh phí 34 tỷ đồng; xác định nguồn ngân sách huyện để xây dựng 2,138 km đường gom, hàng rào bảo vệ... Tuy nhiên, đến nay huyện chưa có kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện, vì vậy nguy cơ cao sẽ chậm tiến độ.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, trước mắt Hương Khê tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực và người tham gia giao thông tuân thủ đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn, tuyệt đối không để phát sinh mới lối đi tự mở. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các vị trí giao cắt giữa các tuyến đường giao thông nông thôn (đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương, đường trục chính nội đồng) với tuyến đường sắt quốc gia; tổ chức cảnh giới đối với các vị trí nguy hiểm…
Nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg "Phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt". Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, phấn đấu giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông đường sắt mỗi năm.