Nhiều ngân hàng tăng phí SMS Banking

Sau một năm thống nhất với các nhà mạng phương án thu phí chung là 11.000 đồng/tháng/thuê bao, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng mức phí với dịch vụ SMS Banking.

VietinBank là một trong những nhà băng vẫn giữ nguyên phí SMS Banking từ năm ngoái đến nay. Ảnh: Duy Hiệu .

Tháng 3/2022, ngân hàng và các nhà mạng đã thống nhất phí SMS Banking 11.000 đồng/tháng (bao gồm phí VAT) sau nhiều ý kiến phản hồi gay gắt của khách hàng khi Vietcombank và một số ngân hàng đề xuất cách thu phí SMS Banking mới.

Tuy nhiên, sau một năm, mức phí SMS Banking tại nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi. Gần đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo chính thức thu thêm 55.000 đồng/tháng phí vượt số lượng tin đối với dịch vụ SMS Banking biến động số dư.

Theo đó, đối với khách hàng cá nhân có số lượng SMS Banking biến động số dư 50 tin nhắn/tháng trở lên, ngoài phí thu theo biểu phí hiện hành, Eximbank sẽ thu thêm 55.000 đồng/tháng/tài khoản.

Theo khảo sát, không riêng Eximbank, mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng thông báo thay đổi mức phí dịch vụ SMS Banking và dịch vụ thông báo biến động số dư qua ứng dụng.

Cụ thể, từ 5/4, với dịch vụ SMS Banking, ngân hàng này tăng thêm 5.500 đồng/tháng từ 11.000 đồng lên 16.500 đồng/tháng/thuê bao với khách hàng ưu tiên. Với khách hàng thường, ngân hàng áp dụng mức phí mới là 33.000 đồng/tháng/thuê bao, tức tăng 11.000 đồng so với trước.

Như vậy, với mức thu SMS Banking mới, khách hàng thường tại SeABank sẽ phải trả tới khoảng gần 400.000 đồng/năm/thuê bao. Trong khi đó, với thông báo biến động số dư trên ứng dụng, nhà băng này sẽ miễn phí dịch vụ với tất cả khách hàng thay vì thu 5.500 đồng/tháng với khách hàng thường.

Tương tự, từ đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo áp dụng phí SMS Banking mới. Cụ thể, với gói cơ bản (thông báo biến động số dư với các giao dịch từ 500.000 đồng trở lên) mức phí thu là 11.000 đồng/tháng/thuê bao. Đối với khách hàng đăng ký 2 và 3 thuê bao di động nhận tin nhắn, mức thu lần lượt là 27.500 đồng/tháng và 49.500 đồng/tháng gói thuê bao cơ bản.

Đối với gói dịch vụ SMS Banking đầy đủ, TPBank áp dụng mức thu là 22.000 đồng/tháng/thuê bao; 49.500 đồng/tháng/2 thuê bao, 82.500 đồng/tháng/3 thuê bao.

Trước đó, hồi tháng 11/2022, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã thay đổi biểu phí dịch vụ SMS Banking. Trong đó, VIB cũng áp dụng mức phí 33.000 đồng/tháng/thuê bao đối với gói cơ bản; gói tiết kiệm (chỉ thông báo biến động số dư với các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng trở lên) là 16.500 đồng/tháng/thuê bao.

Ngoài ra, hiện nhiều ngân hàng cũng có mức phí SMS Banking cao hơn mức 11.000 đồng/tháng như VietCapital Bank, DongABank, Sacombank, ACB, VPBank.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Tecombank) hiện là nhà băng có phí thu SMS Banking cao nhất. Dịch vụ tin nhắn SMS của ngân hàng này là dịch vụ cá nhân riêng, khách hàng muốn sử dụng phải đăng ký.

Cụ thể, với dịch vụ SMS Banking của khách hàng thường, phí Techcombank thu hiện nay dao động từ 13.200 đồng đến 82.500 đồng/tháng/thuê bao. Mức phí cao nhất 82.500 đồng/tháng áp dụng cho khách hàng nhận từ 61 tin nhắn/tháng trở lên.

Từ tháng 3, Techcombank cũng thực hiện chuyển đổi hình thức gửi thông báo về giao dịch thẻ tín dụng sang thông báo trên ứng dụng; thay thế hoàn toàn hình thức gửi tin nhắn SMS. Trong trường hợp khách hàng đang không sử dụng ứng dụng, thông báo giao dịch thẻ tín dụng sẽ vẫn được gửi qua SMS.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lớn vẫn giữ nguyên mức phí SMS Banking là 11.000 đồng/tháng/thuê bao (đã bao gồm VAT) từ năm ngoái đến nay như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MBBank...

Thậm chí, một số ngân hàng còn thu phí dịch vụ này ở mức thấp hơn như HDBank thu 9.900 đồng/tháng; MSB thu 5.500 đồng/tháng.

Theo nhiều chuyên gia, động thái tăng phí SMS Banking trước đó của nhiều ngân hàng là để khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua App Banking và giúp ngân hàng giảm bù lỗ từ dịch vụ SMS Banking khi nhiều lần kiến nghị nhưng nhà mạng không giảm cước tin nhắn.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói