Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mái ấm mồ côi, khuyết tật Hồng Phúc ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang chăm sóc 20 mảnh đời bất hạnh. Ở đây, họ không chỉ được bốn người “mẹ hiền” chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ mà còn nhận được tình thương yêu như những người thân trong gia đình.

Lúc mới sinh ra, chị Nguyễn Thị Phúc đã mang hình hài không đầy đủ khi thiếu đi đôi mắt cùng tâm trí không bình thường. Chị bị gia đình bỏ rơi khi 3 ngày tuổi.

Tới nay đã 54 tuổi, mọi sinh hoạt của chị Phúc đều cần sự trợ giúp từ người khác.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Phúc được chăm sóc chu đáo

Trường hợp em Nguyễn Minh Quân (23 tuổi) cũng đáng thương không kém. Quân mắc bệnh động kinh và bại não bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ. Việc lo ăn uống, vệ sinh cá nhân cho Quân còn khó khăn gấp nhiều lần so với chị Phúc.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

Em Nguyễn Minh Quân không may bị bại não, động kinh từ nhỏ...

“Minh Quân rất biếng ăn, có khi 2 – 3 ngày mới chịu ăn cơm. Mỗi lần cho Quân ăn đều phải dỗ dành, em ấy mới chịu, nhiều khi mất cả mấy tiếng mới xong bữa ăn”, sơ Lê Thị Ngọc tâm sự.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

...Mọi sinh hoạt luôn cần sự giúp đỡ từ người khác

Dù kém may mắn nhưng chị Phúc, Minh Quân và 18 mảnh đời bất hạnh khác được an ủi phần nào khi được bốn người “mẹ hiền” ở mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc (xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chăm sóc tận tình như những người thân trong gia đình.

Theo chia sẻ của sơ Nguyễn Thị Kim Quế, mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc được thành lập từ năm 2009, khi ấy nuôi dưỡng 8 hoàn cảnh không nơi nương tự. Trải qua nhiều năm, ngày càng có nhiều mảnh đời bất hạnh tới với mái ấm.

Hiện, cơ sở đang chăm sóc cho 20 trường hợp kém may mắn. Mỗi hoàn cảnh là cả một câu chuyện đầy nỗi buồn tủi.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

Dù phải chăm sóc cho nhiều người “đặc biệt” nhưng mái ấm Hồng Phúc luôn được quét dọn sạch sẽ

Toàn bộ việc từ nấu ăn, giặt giũ, quét dọn tới mọi sinh hoạt của 20 con người suốt nhiều năm nay đều do các sơ Nguyễn Thị Kim Quế, Nguyễn Thị Thanh, Phan Thị Lưu, Lê Thị Ngọc lo liệu. Công việc của các sơ thường bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày và nhiều lúc kết thúc khi đã bước sang ngày mới.

“Mọi người sinh ra đều mong muốn có cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng với những trường hợp bất hạnh, không nơi nương tựa thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi muốn giúp họ có một gia đình, được yêu thương, được chở che như bao người”, sơ Quế chia sẻ.

Ở mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc luôn tràn ngập tiếng cười nói hồn nhiên, ngây thơ của những phận đời không được lành lặn, kém may mắn bởi những khiếm khuyết của cơ thể và thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

“Mái nhà chung này hy vọng có thể xoa dịu đi những nỗi đau thể xác và tâm hồn của các em”, sơ Lê Thị Ngọc trải lòng.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

Mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc luôn tràn ngập tiếng cười nói hồn nhiên, ngây thơ

Phương Mỹ luôn được coi là “rốn lũ” của Hương Khê Hà Tĩnh, nhưng ở đó luôn có một ngôi nhà đặc biệt mang tên Hồng Phúc – nơi chở che những mảnh đời bất hạnh, thiếu hơi ấm của gia đình.

Và trong ngôi nhà ấy luôn có những người phụ nữ, được gọi chung cái tên trìu mến người “mẹ hiền” với bao hy sinh thầm lặng cho các đứa con đặc biệt.

Những bà sơ như mẹ hiền ở mái ấm mồ côi - khuyết tật vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh

Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ Công an huyện Hương Khê tới thăm hỏi, động viên mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc

Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ Lê Quốc Hậu cho hay: “Mái ấm mồ côi khuyết tật Hồng Phúc thực sự là ngôi nhà chung cho những người khó khăn. Những người phụ nữ chăm sóc cho các hoàn cảnh xuất phát từ lòng thiện nguyện thực tâm. Vào những dịp như trung thu, tết thiếu nhi, các đoàn thể của huyện và tỉnh cũng thường xuyên có những món quà hỗ trợ mái ấm này”.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast