Nhớ mùa thị chín

(Baohatinh.vn) - Bao giờ cũng vậy, hễ cứ tháng bảy âm lịch tới là những cây thị trong vườn nhà tôi lại bắt đầu vào mùa quả chín. Đầu tiên là những quả chín bói, khi phải tinh con mắt lắm mới quan sát thấy những quả thị chín nép mình lấp ló sau các tán lá xanh biêng biếc ở trên cao.

Nhớ mùa thị chín

Đến tháng bảy âm lịch là những cây thị lại bắt đầu vào mùa quả chín.

Miền quê yên ả của tôi hầu như nhà nào cũng trồng thị, nhà ít thì một cây dùng lấy quả để thắp hương, còn nhà nhiều thì có khi trồng tới ba, bốn cây với mục đích bán quả. Gia đình tôi cũng có tới 4 cây thị cổ thụ và những cây thị to lớn ấy với đường kính thân lên tới hơn nửa mét, cao vài chục mét là thành quả mà ông bà nội tôi đã vun trồng từ khi còn trẻ.

Nội từng kể về sự tích của những cây thị trong vườn nhà. Đó là thời thanh niên, lúc nội đi lính, đóng quân ở miền rẻo cao Hà Giang thấy một gia đình người dân tộc Mông gần chỗ đóng quân có cây thị to, cao, quả mùa nào cũng sai lúc lỉu, đặc biệt quả rất to, gấp 2-3 lần giống thị bình thường.

Người chủ của cây thị ấy giải thích rằng, ông lấy giống thị quý đó từ một cây thị mọc hoang trong rừng sâu mang về chiết ghép với giống thị nhà để cho ra một giống thị lai... Và rồi, nội đã xin chủ nhà gần chục quả thị chín mang về lấy hạt nhân giống. Trong số đó chỉ có 4 cây thị con mọc lên sinh trưởng trong khu vườn nhà tôi cho tới tận hôm nay.

Nhớ mùa thị chín

Nội đã xin chủ nhà gần chục quả thị chín mang về lấy hạt nhân giống. Ảnh: Internet

Suốt quãng thời gian tuổi thơ chẳng mấy khi mùa thị chín về mà tôi lại vắng bóng dưới gốc thị, kể cả những buổi tối, hay đêm trăng sáng để cùng lũ trẻ con hàng xóm chơi các trò chơi dân gian. Mùa hè là mùa của những chú ve chui lên từ đất và mấy gốc cây thị cũng là nơi những chú ve chui lên, bò lên thân cây nhiều nhất. Vì thế, mỗi tối tôi hay cùng đứa em cầm đèn pin mò mẫm ra mấy gốc thị để soi bắt ve mang vào nhà xem chúng lột xác.

Vì nhà nào cũng trồng thị nên khi bước vào mùa quả chín thì không gian cả làng quê tôi luôn ngập tràn mùi thị. Hương thị chín ùa vào cả những gian phòng ngủ của mỗi gia đình, chẳng vậy mà mỗi đêm hè trước khi đi ngủ, mẹ luôn nhắc tôi mở toang cánh cửa sổ để cho căn phòng thoáng đãng, đồng thời “đón” hương thị bay vào.

Những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi chẳng có thú vui gì hơn khi đợi mùa quả chín tới với sự háo hức vô cùng, bởi khi đó được sở hữu những quả thị chín màu vàng ruộm, cầm để hít hà, đan bị bằng sợi rồi thả những quả thị vào đó treo lủng lẳng, xách đi khoe bạn bè… Rồi khi thị chín mềm, màu vàng óng chuyển qua màu xậm là lúc chúng tôi mang ra ăn một cách ngon lành.

Nhớ mùa thị chín

Chúng tôi thích nhất là được ăn thị chín.

Người ta thường bảo thị chỉ để chơi, để ngửi cho thơm, nhưng bọn trẻ chúng tôi thì khoái nhất là được ăn những quả thị chín vì nó ngon ngọt, hấp dẫn không kém hồng xiêm, ổi, nhãn hay vài loại hoa quả khác... Không riêng gì trẻ con, nhiều người già cũng thích ăn thị bởi nghe đâu trong thành phần thịt của quả thị có chất kích thích tiêu hóa rất tốt, cộng với vài loại vitamin và khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe...

Ngày nội tôi còn sống, hễ cứ thấy những quả thị chín bói đầu tiên là nội lại bắc thang, hay bảo con cháu leo lên cây hái những quả chín ấy mang xuống, rửa sạch rồi sắp vào đĩa, sau đó đặt ngay ngắn lên bàn thờ để thắp hương ông bà tiên tổ.

Nội từng nói với mấy anh chị em chúng tôi: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cho ông bà tiên tổ trước”. Và sau này, khi ông nội già yếu rồi mất đi thì cha tôi luôn là người kế tiếp công việc mà khi xưa nội vẫn hay làm, đó là hái những quả thị chín bói đầu mùa dâng lên bàn thờ để cúng ông bà tiên tổ, cúng nội, sau đó mới hạ lễ xuống phân phát cho mấy anh chị em.

Nhớ mùa thị chín

Nội từng nói với mấy anh chị em chúng tôi: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cho ông bà tiên tổ trước”.

Chúng tôi trưởng thành, rời quê lên thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp. Mỗi khi về thăm quê, nhìn thấy những cây thị trong vườn, tôi luôn thầm cảm ơn chúng bởi từ mấy cây thị nội trồng, nhiều năm đã là “cứu cánh” cho gia đình khi những quả thị chín được mẹ tôi hái mang ra chợ bán lấy tiền phụ giúp chi tiêu cho cả nhà, mua sách bút, quần áo mới để chúng tôi tới trường. Cách vài hôm mẹ lại quẩy gánh thị đi chợ phiên ở các làng xung quanh bán, dẫu không được là bao nhưng cũng khiến cho các bữa ăn của gia đình thêm phần tươm tất…

Tháng tám lại về, mang theo hương thơm ngào ngạt của những quả thị chín vàng óng ả treo lúc lỉu trên vòm cao trong khu vườn quê xinh xắn, êm đềm, rộn rã tiếng chim kêu. Nôn nao nhớ quê, hoài niệm về một thời dấu yêu nhiều kỷ niệm bên những gốc thị già mùa quả chín, giữa không gian phố phường chật chội, bỗng chốc tôi thấy như có mùi thị chín thoảng bay trong gió…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Khoai lang không chỉ là món ăn mà là đặc trưng quê hương, gợi nhớ sự tảo tần của mẹ, tình cha, và tuổi thơ lấp lánh không thể quên.
Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Giữa núi rừng bạt ngàn, niềm tin và tình người ấm áp lấp lánh hơn nắng. Đây là câu chuyện thắp sáng ước mơ nơi bản làng, nơi khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng.
Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...