Cánh đồng vàng ươm được bao phủ bởi bạt ngàn những bông lúa trĩu nặng, à ơi đu đưa chậm chạp theo điệu gió. Có mùi thơm của lúa mới, mùi rơm rạ vừa gặt xong, mùi trâu bò ngai ngái… quyện hòa vào nhau làm nên cái gọi là “mùi vị làng quê” khiến ai rời làng quê ra đi cũng khắc khoải chạnh lòng mỗi khi bắt gặp đâu đó hình ảnh quê nhà.
Cánh đồng vàng ươm mùa gặt (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Bóng người gặt, người bó, người mang lên xe, tiếng trò chuyện rôm rả về lúa mùa này được thua so với vụ trước, tiếng thở dài lo lắng thu hoạch cho kịp để chuẩn bị tiền con cái vào năm học mới, thỉnh thoảng lại rộ lên những trận cười của đám thanh niên nam nữ vừa nhanh tay gặt vừa trêu đùa nhau.
Lúa gặt rồi...
Trẻ nhỏ được theo bố mẹ, anh chị ra đồng vui như đi hội, lấy những bông lúa bị lép, còn xanh làm cờ bông lau tránh trận, chạy đùa, hét hò inh ỏi cả cánh đồng. Thân thương lắm bức tranh ngày mùa. Vất vả, khó nhọc mà ấm áp, bình yên.
... còn để lại rơm thơm (Ảnh: Oanh Phương)
Người nông dân mùa nào cũng khó nhọc nhưng vất vả nhất vẫn là vào mùa thu hoạch. Nhân lực trong nhà được huy động tối đa, người lớn ra đồng gặt hái, những em bé mới 5, 6 tuổi cùng với ông bà “ được”…phân công canh lúa phơi ở nhà để đuổi gà...
Dùng chân "cày" trở để hạt thóc đều nắng, nhanh khô (Ảnh: T.H)
Thương nhất là mỗi khi trời chuyển mưa đột ngột, người ngoài đồng chạy về, kẻ ở nhà chân vắt lên cổ chạy đua với cơn mưa. Mùa này thường có mưa rào vào giữa buổi chiều, ập đến nhanh và đi cũng nhanh, có khi chưa dọn xong lúa bị ướt trời đã quang trở lại. Lại re lúa ra, phơi còn kịp nắng. Hạt lúa có cả nước mưa, vị mặn những giọt mồ hồi và cả vị chát chúa, nhọc nhằn của người dân quê lam lũ.
Những cọng rơm vàng và niềm vui tuổi thơ (Ảnh: Minh Lý)
Tối qua, khi đọc đến khổ thơ “Ngày hôm qua ở lại/ Trong hạt lúa mẹ trồng/ Cánh đồng chờ gặt hái/ Chín vàng màu ước mong”, con trai quay sang hỏi mẹ: “có phải màu ước mong là màu vàng của lúa không mẹ?”. Phải rồi con, đó là mong ước từ khi mới chọn hạt thóc giống, ủ mộng, rồi gieo trồng, rồi chăm, bón…để ngày thu hoạch có được “hạt vàng làng ta” đó.
Mùa gặt đã về. Nhà nhà lại nhộn nhịp. Làng quê như vào hội. Lại mong người dân quê tôi có một mùa vàng!