Tâm hồn cao thượng được xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 1948, với bản dịch của thầy giáo Hà Mai Anh và cái tựa quen thuộc Những tấm lòng cao cả. Cuốn sách đã rất phổ biến và được tái bản lại nhiều lần. Bất kỳ đứa trẻ nào đã từng đọc Tâm hồn cao thượng, đều vô cùng say sưa và thích thú. Trong tháng 5/2016, tác phẩm được tái bản với mong muốn sẽ một lần nữa có thể đem cuốn sách thực sự ý nghĩa này đến với những thế hệ độc giả mới.
Câu chuyện được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò lớp ba trong trường tiểu học ở Ý, với đầy đủ những điều nhỏ bé diễn ra xung quanh đời sống của cậu. Đi theo cậu bé trong một năm học ấy, người đọc không chỉ được chứng kiến một đời sống sôi động, thú vị của những đứa trẻ, mà hơn hết sẽ cảm thấy được những ấm áp vô vàn đáng quý trong mối quan hệ giữa con người với nhau, dù đó là trẻ nhỏ, hay người lớn, là người giàu có, hay người nghèo khổ, người lành lặn hay tàn tật… Không bao giờ có sự phân biệt, khinh rẻ hay hắt hủi, chỉ có sự công bằng, nhân ái vô biên.
Đọc Tâm hồn cao thượng, ta thấy rằng, trong tâm hồn ai cũng chứa đựng những rung cảm đẹp đẽ, và nếu ta có cách để chạm được vào sự rung cảm ấy, thì tiếng hát tha thiết yêu dấu nhất về con người và đời sống sẽ được cất lên xôn xao khắp ngõ phố. Mọi người đều trung thực, yêu quý và luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau. Đời sống như thế thật sự sẽ dễ chịu vô cùng.
Những người bạn xuất hiện trong cuốn nhật ký của Enrico đều vô cùng đáng mến. Đerotxi thông minh, nhiệt tình và ham học. Coretti chịu khó, chăm chỉ; vừa giúp bố mẹ việc nhà vừa lo đảm bảo việc học. Và cái anh chàng con bác thợ nề nữa, lúc nào cũng giở trò sứt môi, trông hay đáo để đấy. Những đứa trẻ ấy là những đứa trẻ được sống trong bầu không khí thật cao thượng, thật nhân ái.
Độc giả hẳn cũng sẽ có cảm giác vô cùng xúc động khi nhìn bóng dáng những người thầy, người cô luôn tận tâm với học trò, và hết lòng yêu thương những đứa học trò như gia đình của mình.
Xen giữa những đoạn nhật ký nhỏ nhắn, ngây thơ và trong sáng và chân thành của cậu bé Enrico là những lá thư mà cha Enrico đã gửi cho cậu mỗi khi cậu làm điều gì đó sai trái hay khi cậu vụng về không biết cư xử ra sao với bạn bè, thầy cô, và những người cần lao xung quanh. Bằng giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, tâm tình, ông đã viết nên những điều khuyên răn rất giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương, khiến Enrico từ ấy mà biết suy nghĩ sâu sắc hơn, và người đọc có thể nhìn thấy sự trưởng thành của cậu qua từng trang nhật kí. Đến cuối cùng của câu chuyện Tâm hồn cao thượng, cậu bé Enrico đã có một năm học đầy trải nghiệm và vô cùng thú vị. Ai theo dõi cuộc cuốn nhật kí của cậu cũng đều bị cuốn vào trong đời sống ấy, mà cười vui mà ngâm ngợi.
Tác phẩm Tâm hồn cao thượng của De Amicis được đánh giả là một trong những cuốn sách viết về học trò hay nhất, với những câu chuyện vô cùng trong sáng thơ ngây nhưng lại để lại nhiều băn khoăn, trăn trở sâu sắc với những người trưởng thành. Chúng ta phải làm sao để có thể gieo trồng và phát triển được những tâm hồn cao thượng ấy.
De Amicis viết Tâm hồn cao thượng bằng một lối viết vô cùng giản dị, khiêm nhường nhưng đây chính là một cuốn sách có thể tạo được sức quyến rũ mãnh liệt, khiến mọi đối tượng độc giả đều có thể tìm thấy họ ở đó, và rồi sẽ say sưa khám phá.
Trong bản in mới nhất tại Việt Nam lần này, đơn vị phát hành đã tái hiện lại một cách trung thành bản dịch của dịch giả, nhà giáo Hà Mai Anh. Mặc dù ngôn ngữ mà dịch giả dùng so với ngày nay có nhiều từ nghe hơi cổ, và vang vọng nhiều âm hưởng xa xưa, nhưng thiết nghĩ, cái cốt cách ấy lại truyền tải rất tốt cái bối cảnh và không khí của Tâm hồn cao thượng. Hơn nữa, ngay trong cuối mỗi mẩu truyện nhỏ, đều có phần chú thích, giải thích nghĩa rõ ràng của những từ cổ cho những người đọc trẻ tuổi lần đầu đọc cuốn sách.