|
1. Cú muỗi mỏ quặp: Đây là loài chim hiếm, thường cư trú tại những khu rừng lá rộng hoặc rừng thứ sinh ở Trung và Nam Trung Bộ. Cú muỗi mỏ quặp có chiều dài từ 24,5-27,5 cm. Thông thường, khó để gặp được loài chim này bởi chúng thường sống ở khu vực cao từ 900-1.900 m. Ngoài ra, với bộ lông màu nâu đen, có điểm các chấm trắng nhỏ, cú muỗi mỏ quặp dễ dàng ẩn mình vào môi trường xung quanh. Ảnh: Trần Anh Tuấn. |
|
2. Khát nước: Không giống như cú muỗi mỏ quặp, khát nước là loài chim có thể gặp tại một số tỉnh thành lớn dù sinh cảnh chủ yếu của chúng vẫn là rừng thứ sinh, rừng ngập mặn. Khát nước có cơ thể trung bình, dài từ 38-41,5 cm. Loài chim này có phần thân trên màu đen nhạt, cổ màu hung vàng và cánh màu hung đỏ. Đặc biệt, vào mùa sinh sản, chúng thường đẻ từ 1-2 trứng và ký sinh trong tổ của các loài khướu. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp. |
|
3. Bắt cô trói cột: Loài chim này có phạm vi sống rộng và có thể tìm thấy trên khắp cả nước nhưng phổ biến nhất là tại một số vườn quốc gia lớn như Cúc Phương hay Cát Tiên. Nguồn gốc tên gọi kỳ lạ của loài chim này liên quan nhiều đến tiếng kêu của chúng. Ngoài ra, bắt cô trói cột cũng có thói quen ký sinh trứng vào tổ loài khác, ví dụ như chèo bèo. Ảnh: Tăng A Pẩu. |
|
4. Sếu đầu đỏ: Loài chim nằm trong danh sách cần được bảo tồn và thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sếu đầu đỏ có thể được tìm thấy trên các đồng cỏ, đầm lầy hay cánh đồng lúa nước. Loài chim này được cho là có kích thước cơ thể lớn nhất Việt Nam, dài từ 152-156 cm; có thân cao cùng sải cánh lớn. Ảnh: Tăng A Pẩu. |
5. Cà kheo mỏ cong: Đúng như tên gọi, loài chim này có mỏ dài và cong ở cuối. Chúng thường kiếm ăn ở các vùng nước nông như ao, hồ, bãi triều ven biển, sông lớn. Con đực trưởng thành thường có hai màu đen trắng, chân mảnh và cao. Con cái mỏ ngắn nhưng lại cong hơn ở phần cuối. Ảnh: Lê Mạnh Hùng. |
6. Đầu rìu: Đầu rìu là loài có kích thước cơ thể nhỏ, chỉ từ 27-32,5 cm. Chúng có màu sắc sặc sỡ, đặc biệt ở phần cổ, đầu và mào - nhân tố chính tạo ra tên gọi của chúng. Đầu rìu không yêu cầu điều kiện sống quá đặc biệt nên có thể tìm thấy ở nhiều nơi, đông nhất là tại vườn quốc gia Xuân Thủy hoặc khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Ảnh: Lê Mạnh Hùng. |
7. Sả mỏ rộng: Thường sống tại các sông, hồ lớn hoặc khu vực gần rừng lá rộng. Sả mỏ rộng có ngoại hình cực kỳ bắt mắt với màu xanh chủ đạo ở đôi cánh, vàng ở cổ. Đặc biệt, chiếc mỏ của loài chim này rất dài và to. Ảnh: Tăng A Pẩu. |
8. Lách tách đầu đốm: Lách tách đầu đốm là loài chim định cư, phân bố tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ. Tuy nhiên, sinh cảnh chính của chúng lại là rừng lá rộng, rừng thứ sinh ở độ cao 1.000-3.100 m, vì vậy không dễ dàng để gặp được những loài chim này. Lách tách đầu đốm có thân hình khá nhỏ, chỉ từ 10,5-12 cm. Ảnh: Lê Khắc Quyết. |
9. Khướu mào họng đốm: Người ta thường bắt gặp loài chim này ở khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt ở trong vườn quốc gia Hoàng Liên Sa Pa. Nguyên nhân chính là bởi sinh cảnh của khướu mào họng đốm là các khu rừng lá rộng, rừng hỗn giao, rừng thứ sinh từ độ cao 1.800-3.100 m. Cơ thể của khướu mào họng đốm tương đối nhỏ nhưng chúng lại có ngoại hình bắt mắt với chiếc mào cao, nhọn hướng lên trên. Ảnh: Bùi Đức Tiến. |