Những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2022

Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chứng kiến hành tinh hội tụ, nhật thực, nguyệt thực, siêu trăng, cùng nhiều trận mưa sao băng trong năm nay.

Ba hành tinh hội tụ (cuối tháng 3)

Sao Hỏa, sao Thổ và sao Kim sẽ xuất hiện rất gần nhau trên bầu trời trong hai tuần cuối cùng của tháng 3, gần đến mức nằm trong cùng một trường nhìn của một số ống nhòm và kính thiên văn mặt đất.

Hiện tượng hành tinh hội tụ sẽ tiếp tục kéo dài sang tháng 4 với sao Hỏa và sao Thổ gần như nằm trùng nhau trên bầu trời vào các buổi sáng mùng 4 và 5/4. Sao Kim khi đó đã di chuyển ra xa một chút.

Mưa sao băng Lyrids (4-5/4)

Tháng 4 là tháng thiên văn toàn cầu và hầu hết mọi người trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Lyrids đạt cực đại vào đêm 21/4, rạng sáng 22/4, với khoảng 15 vệt sáng mỗi giờ.

Trăng đen (30/4)

Sự kiện thiên văn lớn thứ ba trong năm là hiện tượng duy nhất không thể quan sát thấy, ngay cả khi có sự trợ giúp của kính thiên văn. Thuật ngữ “trăng đen” được sử dụng để mô tả trăng non thứ hai trong một tháng dương lịch. Đó là thời điểm mà phần được chiếu sáng của Mặt Trăng hướng ra xa Trái Đất.

Mặc dù không thể nhìn thấy trăng đen trên bầu trời vào ngày cuối cùng của tháng 4, đây lại là cơ hội tốt để ngắm những ngôi sao vì chúng không bị lấn át bởi ánh sáng của Mặt Trăng.

Nhật thực một phần (30/4 và 25/10)

Năm 2022 không có nhật thực toàn phần nhưng sẽ có hai nhật thực một phần. Sự kiện thứ nhất diễn ra ngày 30/4 và có thể quan sát từ khu vực phía nam Nam Mỹ. Sự kiện thứ hai diễn ra ngày 25/10, có thể quan sát tại châu Âu và một số nơi ở phía bắc châu Phi.

Những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2022

Nhật thực một phần trên đỉnh nhà thờ ở thành phố Brigham, bang Utah, Mỹ, vào tháng 10/2014. Ảnh: AP

Mưa sao băng Eta Aquarids (4-5/5)

Chưa đầy hai tuần sau Lyrids, trận mưa sao băng tiếp theo trong năm - có tên gọi Eta Aquarids - sẽ đạt cực đại vào đêm mùng 4/5 và rạng sáng 5/5 với khoảng 20-40 vệt sáng mỗi giờ. Đây là cơ hội quan sát mưa sao băng tốt nhất trong năm đối với người dân ở Nam Bán cầu.

Nguyệt thực toàn phần (15-16/5 và 8/11)

Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ trong đêm từ ngày 15/5 đến ngày 16/5. Đây là nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong năm 2022. Hiện tượng có thể được quan sát thấy tại một số nơi ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á.

Nguyệt thực toàn phần thứ hai và là lần cuối cùng trong năm sẽ diễn ra trước khi Mặt Trời mọc vào ngày 8/11. Một số khu vực của Canada và Mỹ, bao gồm cả Alaska và Hawaii, sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng này nếu thời tiết cho phép. Người dân ở Bờ Đông sẽ bỏ lỡ giai đoạn nguyệt thực toàn phần vì Mặt Trăng sẽ lặn trước khi đến đỉnh nguyệt thực.

Sau nguyệt thực cuối cùng của năm 2022, người dân ở Bắc Mỹ sẽ phải chờ tới tháng 3/2025 mới có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần tiếp theo.

Siêu trăng (14/6, 13/7 và 12/8)

Siêu trăng sẽ xuất hiện ba lần trong năm 2022, lần lượt vào ngày 14/6, 13/7 và 12/8. Hiện tượng siêu trăng xảy ra khi trăng tròn trùng với điểm cận địa, tức là điểm trên quỹ đạo của nó ở gần Trái Đất nhất, làm cho kích thước biểu kiến của Mặt Trăng lớn hơn bình thường khi quan sát từ Trái Đất.

Những sự kiện thiên văn đáng chờ đợi năm 2022

Siêu trăng tỏa sáng rực rỡ trên đồi Croghan, Ireland vào tháng 4/2020. Ảnh: Inpho

5 hành tinh thẳng hàng (24/6)

Sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ sẽ sắp xếp thẳng hàng theo thứ tự và đều đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường trước khi mặt trời mọc vào ngày 24/6 trên bầu trời phía đông. Mặt trăng hình lưỡi liềm thậm chí cũng nằm trên đường thẳng này, giữa sao Kim và sao Hỏa.

Vị trí thẳng hàng trên chỉ xuất hiện dưới góc nhìn từ Trái Đất. Trên thực tế, các thiên thể không thực sự thẳng hàng trong hệ Mặt Trời.

Mưa sao băng Perseids, Orionids (12-13/8)

Một trong những trận mưa sao băng lớn nhất năm sẽ đạt đỉnh vào mùa hè. Trong điều kiện lý tưởng, mưa sao băng Perseids cho 50-100 vệt sáng mỗi giờ, nhưng vì diễn ra trùng thời điểm với siêu trăng ngày 12/8, tỷ lệ nhìn thấy các vệt sáng sẽ giảm đi khoảng một nửa.

Mưa sao băng Orionids (20-21/10)

Mưa sao băng Orionids đạt đỉnh sau Perseids hai tháng, với khoảng 20 vệt sáng mỗi giờ. Mặc dù không ấn tượng như Perseids, mưa sao băng Orionids lại có điều kiện quan sát tốt hơn vì Mặt Trăng không chiếu sáng suốt đêm.

Sao Hỏa sáng cực đại (8/12)

Hành tinh “láng giềng” của chúng ta sẽ đạt độ sáng cực đại vào ngày 8/12 khi nó nằm đối diện với Mặt Trời theo góc nhìn của Trái Đất. Khi đó, nó sáng hơn hầu hết các ngôi sao trên bầu trời và có thể được nhìn thấy suốt đêm.

Đây là cơ hội tốt nhất để các cơ quan vũ trụ như NASA nghiên cứu hành tinh đỏ. Phải chờ đến ngày 15/1/2025, sự kiện tương tự mới xảy ra lần nữa.

Mưa sao băng Geminids (13-14/12)

Trận mưa sao băng được mong chờ nhất năm 2022 sẽ đạt đỉnh vào tuần thứ hai của tháng 12. Trong điều kiện lý tưởng, mưa sao băng Geminids cho 100-150 vệt sáng mỗi giờ, nhưng một lần nữa, màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục này sẽ bị cản trở bởi trăng tròn. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2021 với trăng sáng làm giảm tỷ lệ nhìn thấy sao băng xuống chỉ còn 30-40 vệt mỗi giờ.

Theo UPI/VNE

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.