Một xưởng sản xuất vũ khí đơn giản thời chống Pháp. Ảnh tư liệu. |
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vũ khí cho lực lượng vũ trang còn rất thiếu, chỉ có một số đơn vị được trang bị bằng vũ khí thu được của Bảo an binh và quân Nhật - Pháp. Bộ Tổng tham mưu ra đời trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước và chỉ đạo về công tác bảo đảm chiến đấu, trong đó có tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.
Tháng 10/1945, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị bàn việc củng cố tổ chức chỉ huy, phân chia các lực lượng vũ trang. Hội nghị thống nhất, vấn đề vũ khí là khó khăn lớn nhất của toàn quân cần tích cực tháo gỡ để các đơn vị có súng đạn chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Phòng quân giới (thành lập ngày 15/9/1945) tích cực tìm kiếm, mua đổi vũ khí, đạn dược, tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí, nhất là sản xuất loại đạn DAM (dùng cho súng trường của Pháp như Reminton, Mousqueton…) để trang bị cho quân đội.
Phòng quân giới vừa đặt gia công chi tiết, bộ phận thay thế vũ khí và sản xuất vũ khí thô sơ từ các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội như AVIA, STAI, Trường Kỹ nghệ Thực hành…, vừa dần quản lý một số cơ sở sản xuất vũ khí trang bị xung quanh Hà Nội. Một bộ phận của xưởng Làng Chè chuyển về Đông Anh lập xưởng mới do ông Ngô Gia Khảm phụ trách, chuyên sửa chữa đạn con và nghiên cứu sản xuất hạt lửa. Xưởng kim khí của hãng STAR (Hà Nội) được trưng dụng tổ chức thành Sở Công binh Việt Nam chuyên sửa chữa các loại súng, sản xuất vỏ lựu đạn bằng gang và các chi tiết cơ khí của lựu đạn.
Ngay trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt trên các chiến trường, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy quyết định triệu tập hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất tại Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Đông) do Bộ Tổng tham mưu tổ chức. Hội nghị nhất trí tổ chức mỗi khu một ty quân giới để chuyên lo tìm nguyên liệu sản xuất vũ khí, lo việc điều chỉnh các loại súng giống nhau vào một đơn vị để tiện bổ sung đạn dược; coi trọng việc chế tạo vũ khí thô sơ, bao gồm cả cung tên, giáo mác, đại đao, súng kíp…
Hội nghị cũng bàn bạc để tìm ra một thứ vũ khí có thể đánh xe tăng, cơ giới địch. Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa khi đó cho biết, Cục đang thí nghiệm đạn bazoka nhưng chưa thành công. Bước đầu để bộ đội có vũ khí đánh xe tăng, xe cơ giới địch, Cục đã sản xuất và hướng dẫn cách dùng chai cháy "Môlôtôp". Đây là thứ vũ khí thô sơ đánh chiến xa có hiệu quả trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Trong khi các cơ quan Cục quân giới khẩn trương điều hành sản xuất vũ khí thì hầu khắp các đơn vị, địa phương trên cả nước tổ chức hàng trăm binh công xưởng. Tại Nam Bộ, các tỉnh, huyện, quận, ban ngành đều thành lập xưởng nhỏ làm nhiệm vụ sửa chữa, chế tạo vũ khí kịp thời đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của chiến trường. Bộ Tư lệnh Khu 9 trực tiếp chỉ đạo 6 binh công xưởng ở vùng U Minh sửa chữa và sản xuất vũ khí.
Tại Bạc Liêu, không có vũ khí đánh tàu, lực lượng vũ trang đã nghiên cứu cải tiến thuỷ lôi của Nhật, sử dụng đánh chìm tại chỗ tàu cùng một đại đội địch. Binh công xưởng chi đội 7, 10 sản xuất địa lôi, mìn, lựu đạn mỏ vịt, tiểu liên Sten, Thomson, lựu phóng, cải tiến được cả súng cối 81 mm sử dụng đánh địch ở Biên Hòa vào đêm 31/12/1946.
Tại Trung Bộ, để bảo đảm bí mật, an toàn hầu hết xưởng vũ khí đều đặt dưới chân dãy Trường Sơn. Các địa phương tích cực thu gom máy móc, nguyên vật liệu để các xưởng có điều kiện kịp thời sửa chữa và chế tạo vũ khí. Binh công xưởng QB450 lúc cao nhất tới 500 cán bộ, công nhân, sản xuất lựu đạn dập, mìn muỗi và nghiên cứu chế tạo súng cối 81mm.
Tại Bắc Bộ, Cục quân giới lập xưởng hoá chất Bình Đà (Hà Đông), nghiên cứu sản xuất thuốc đen, fulminat thuỷ ngân, nhồi lắp lựu đạn. Tận dụng một số máy móc, thiết bị lấy ở mỏ than Làng Cẩm và chuyển từ Đông Anh lên, Cục lập xưởng sản xuất vũ khí Giang Tiên (Thái Nguyên).
Tại Hà Nội, Công ty vũ khí Phan Đình Phùng sản xuất hoàn chỉnh lựu đạn kiểu Nhật, tự chế súng trường có rãnh nòng. Cuối năm 1945, một xưởng sản xuất vũ khí ở Hải Phòng sản xuất thành công 3 khẩu cối 60 mm đầu tiên ở Bắc Bộ. Tại Nam Định, 3 binh công xưởng sản xuất bộ phận thay thế của súng, sản xuất lựu đạn, lựu phóng, súng phóng lựu, cối 51 mm và súng tiểu liên Sten. Tại Thanh Hoá, một bộ phận của xưởng Cao Thắng sản xuất mìn và lựu đạn, sau đó hợp nhất với tổ sửa chữa vũ khí đóng ở huyện Yên Định để sản xuất đạn DAM.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, các xưởng quân giới được mở rộng và xây dựng thêm. Từ chỗ Cục quân giới chỉ có 20 cơ sở sản xuất với 2.500 công nhân, khi bước vào kháng chiến đã có 57 cơ sở sản xuất lớn nhỏ và sau một năm đã phát triển lên 89 xưởng, 13 công trường và một số tổ kíp sửa chữa lưu động, quân số lên tới 16.000 người; nguyên vật liệu dùng sản xuất vũ khí do nhân dân đóng góp.
Để xây dựng cơ sở quốc phòng sản xuất vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài, cuối năm 1946, Trung ương Đảng quyết định tiến hành cuộc tổng di chuyển vật chất kỹ thuật lên các căn cứ kháng chiến. Các cơ sở quân giới ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… vừa di chuyển vừa tổ chức sản xuất vũ khí cung cấp cho quân dân ngăn chặn địch ở các đô thị. Ở Nam Bộ, từ đầu năm 1947, các xưởng quân giới sau khi đã di chuyển từ nội đô ra vùng ven, lại di chuyển máy móc, vật liệu sâu vào các khu căn cứ Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, U Minh, Bà Rịa…
Đến cuối tháng 4/1947, cuộc tổng di chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản được hoàn thành. Việc di chuyển an toàn hàng chục nghìn tấn vật chất kỹ thuật, trên những đoạn đường dài từ vài chục đến hàng trăm kilômet bằng sức người là chính, trong điều kiện đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, là một chiến công của dân tộc Việt Nam trong năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Trong khi các địa phương đang khẩn trương tiến hành cuộc tổng di chuyển thì Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho những người phụ trách quân giới về các khu vực đặt xưởng chỉ đạo xây dựng xưởng sản xuất vũ khí. Phương châm xây dựng xưởng vũ khí buổi đầu kháng chiến chống Pháp mà Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo là tiểu quy mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết.
Các xưởng chế tạo vũ khí của Việt Nam trong giai đoạn này không giống bất cứ xưởng sản xuất vũ khí nào của các nước có nền công nghiệp phát triển. Trung bình mỗi xưởng chỉ có trên dưới 100 công nhân với khoảng 10 đến 15 máy công cụ (tiện, phay, bào, khoan, dập…). Máy phát động lực của các xưởng thường là những máy hơi nước nhỏ. Việc rèn các chi tiết lớn thường dùng búa tay. Lò đúc gang gọi là lò chõ, lượng đúc mỗi mẻ từ 30 đến 50 kg. Quạt gió bằng động cơ với máy quạt tự tạo, không có thì dùng guồng quay tay, đạp chân.
Việc đặt máy công cụ thường không đổ móng cố định mà chỉ bắt bulông trên khung gỗ để có thể nhanh chóng tháo lắp, di chuyển khi cần thiết. Nhà xưởng thường bằng gỗ, tre, nứa, lá. Ở đồng bằng Nam Bộ, nhiều xưởng đặt trên ghe thuyền.
Nhờ xây dựng xưởng theo phương châm trên nên khi đối phương đánh, ta di chuyển đến vị trí mới, mọi hoạt động sản xuất của xưởng lại nhanh chóng được triển khai. Chính đối phương cũng thừa nhận “Những xưởng binh khí của Việt Minh, không biết nên so sánh như thế nào với xưởng của một cường quốc. Tuy nhiên, có thể nói, đối phương của chúng ta, ngay từ đầu bằng bàn tay của chính họ đã chế tạo một phần đáng kể có khi đạt phần quan trọng những phương tiện hỏa lực…”.
Tháng 5/1947, Bộ Tổng tham mưu triệu tập họp bàn về xây dựng bộ đội chủ lực trong đó chỉ đạo bảo đảm vũ khí cho dân quân du kích. Bộ Tổng tham mưu thống nhất với Cục Quân giới phát huy vai trò các binh công xưởng, các lò rèn ở thôn, xã để sản xuất vũ khí thô sơ (đại đao, lựu đạn, súng kíp, địa lôi, cung nỏ…) cho dân quân; phổ biến kinh nghiệm sử dụng và sản xuất vũ khí thô sơ của các lò rèn thôn xã. Bộ Tổng tham mưu cũng chỉ đạo lực lượng quân nhu, quân giới, quân y phải tiến tới chỗ Việt hóa, gắng tìm vật liệu trong nước mà chế tạo nhằm đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong mọi tình huống.
Đến cuối năm 1947, hệ thống xưởng quân giới, xưởng vũ khí dân quân, xưởng vũ khí Tổng liên đoàn… đã lên đến 200 xưởng và 20.000 cán bộ, công nhân đã có mặt trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam từng bước ổn định, lần lượt đi vào sản xuất, kịp thời đáp ứng cho yêu cầu toàn dân đánh giặc, đẩy mạnh chiến tranh du kích, sớm tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước.
Súng hỏng được sửa chữa kịp thời, đạn nhồi xong được cung cấp ngay cho đơn vị. Cùng với súng kíp, mìn, lựu đạn được sản xuất hàng loạt, mìn lõm, bazoka, súng cối 60mm, 80mm, 120mm và bệ phóng bom 175mm bắt đầu được sản xuất ở các binh công xưởng. Chỉ tính từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, quân giới đã sản xuất trên 2 triệu vũ khí các loại cung cấp cho chiến trường cả nước.
Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng (họp từ ngày 15 đến 17/1/1948) đã ra Nghị quyết tiến tới "không một quả lựu đạn nào không nổ, không một khẩu súng nào thiếu đạn… tiến lên chế tạo những vũ khí tối tân chuẩn bị cho bộ đội đánh những trận tiêu diệt lớn".
Để đánh lô cốt chống lại chiến thuật co cụm của quân Pháp, hàng loạt vũ khí có sức công phá lớn như bộc phá phá tường FT, súng không giật SKZ, súng phóng bom, súng SS… được sản xuất, đủ sức tiêu diệt những phương tiện chiến tranh hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, lô cốt của Pháp.