“Nỗi khổ” của Việt kiều ở thủ phủ ma túy Trung Âu

(Baohatinh.vn) - Nhiều người dân địa phương ở Cộng hòa Séc đang giữ một quan điểm khá cứng nhắc, cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở đất nước này có mối quan hệ chặt chẽ với các băng nhóm tội phạm và ma túy, bất chấp sự thật rằng có nhiều người Việt ở Séc đang hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp.

Nằm cách xa những con đường lát sỏi đẹp như tranh vẽ ở khu vực trung tâm thủ đô Prague, Cộng hòa Séc, một người người phụ nữ trung niên gốc Việt đang “đánh vật” với cục bột lớn bên trong cửa tiệm pizza gia đình để chuẩn bị cho giờ cao điểm phục vụ vào buổi tối.

Đấy là chị Nguyen Kim Thu, 42 tuổi. Tiệm pizza của chị Thu ban đầu mở ra để phục vụ những vị khách người Séc thường hay di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố ra vùng hẻo lánh nơi có đông người Việt sinh sống ở ngoại ô Prague. Khu vực này được gọi bằng cái tên “Little Hanoi” (Góc nhỏ Hà Nội). Tuy nhiên thời gian gần đây, hầu hết khách hàng của chị lại là những chủ cửa hàng người Việt khác đang kinh doanh trong khu vực.

Chị Nguyen Kim Thu. (Ảnh: Philip Heijmans/Nikkei)

Chị Thu kể, chuyển đến Prague sinh sống từ 15 năm trước, chị và gia đình giờ đây cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở hiện tại. Mặc dù thế, người phụ nữ này thừa nhận có một khoảng cách vô hình trong mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt và người dân địa phương đang tồn tại ở Prague.

Cộng hòa Séc vốn được biết đến như là trung tâm ma túy của Trung Âu. Những nghi ngại, phỏng đoán, quy chụp thiếu căn cứ về mối quan hệ giữa những người Việt sống ở Séc và những nhà sản xuất ma túy bất hợp pháp ở đất nước này những năm gần đây đã và đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại cho cộng đồng người Việt định cư ở Séc.

“Nó đặc biệt xảy ra khi bạn bước vào bên trong các siêu thị. Chúng tôi đi mua sắm và tôi nghĩ rằng họ (người Séc) cảm thấy khó chịu khi chúng tôi chọn mua một thứ gì đấy” - Chị Thu nói. “Họ không nói chuyện với chúng tôi”.

Con trai của chị Thu, cháu Tran The Tuan (16 tuổi), hiện đang là học sinh cấp 3, cho biết, cháu từng là tâm điểm của những sự chú ý không mong muốn ở trường do sự hiện diện ngày càng tăng của các băng nhóm ma túy gốc Việt.

“Thỉnh thoảng (ở trường) các bạn hay đùa và nói những câu đại loại như: “Này anh bạn, cho tôi một ít “cỏ” (ma túy cỏ) được không?” - Tuan nói.

Tiệm pizza của gia đình chị Thu nằm trên mảnh đất nơi từng là lò giết mổ gia súc thuộc khu trung tâm thương mại cũ Sapa Market ở Prague. Sapa là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất của người châu Á ở châu Âu, với diện tích lên đến 250.000 m2.

Sapa Market là sự phản ánh tiêu biểu cho số lượng đông đảo những người Việt Nam bắt đầu định cư ở Séc theo một hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ) kết thúc vào năm 1989. Có dưới 57.000 người Việt hiện đang sinh sống ở Séc, đây cũng là quốc gia có số lượng người Việt định cư lớn thứ 3 ở châu Âu.

TTTM Sapa ở Prague, Cộng hòa Séc. (Ảnh: VOV)

Các tiểu thương người Việt kinh doanh tại TTTM Sapa. (Ảnh: Philip Heijmans/Nikkei)

Đáng tiếc, nhiều người dân địa phương ở Séc đang giữ một quan điểm khá cứng nhắc, cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở đất nước này có mối quan hệ chặt chẽ với các băng nhóm tội phạm và ma túy, bất chấp sự thật rằng có nhiều người Việt ở Séc đang hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp.

Trung tâm Giám sát ma túy và người nghiện ma túy Châu Âu (EMCDDA) cho biết một phần lớn ma túy đá (methamphetamine hay meth - một loại chất gây nghiện tổng hợp) được tuồn ở khắp các quốc gia châu Âu có nguồn gốc từ Séc.

Trung tâm phòng chống ma túy quốc gia Cộng hòa Séc (NHD) gần đây công bố số liệu cho thấy số ma túy đá được sản xuất ở Séc trong năm ngoái đã đạt con số kỷ lục 107.363kg, tăng nhanh từ mức 3.600kg năm 2009.

NHD ước tính các băng nhóm tội phạm gốc Việt chịu trách nhiệm cho ít nhất 60% sản lượng ma túy bất hợp pháp ở Cộng hòa Séc, trong đó 80% là ma túy đá. Các loại ma túy khác được sản xuất bao gồm cần sa và một lượng nhỏ thuốc phiện, bao gồm heroin.

Các nhóm tội phạm gốc Việt ở Séc cũng được cho là ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hình thức phạm tội khác, bao gồm trốn thuế và lừa đảo lên đến hành tỷ đôla, theo một báo cáo mật được công bố hồi tháng trước bởi Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc.

Trang Ceska Tiskova Kancelar của Séc trích dẫn báo cáo cho biết: “Các nhóm người Việt cầm đầu các băng đảng tội phạm từ châu Á đến Cộng hòa Séc hoạt động rất ổn định thông qua việc móc nối với các quan chức có máu mặt”.

Trong Báo cáo Thị trường Ma túy EU 2016 (2016 EU Drug Markets Report) của EMCDDA các nhóm tội phạm gốc Việt hiện đã có thể xây dựng nên một mạng lưới phân phối trên toàn châu Âu.

“Cũng giống như việc chiếm một vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và phân phối ma túy đá ở Cộng hòa Séc, (Các băng nhóm tội phạm người Việt) đang tham gia vào việc buôn bán và phân phối ma túy đá ở một vài quốc gia thành viên (thuộc Liên minh châu Âu - EU) cũng như các hoạt động phạm pháp khác, bao gồm sản xuất cần sa, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp và buôn người”.

Trong một nỗ lực để chống lại những nhận thức sai lầm của một số bộ phận người Việt ở Séc, các hiệp hội người Việt Nam ở địa phương liên kết với chính phủ Cộng hòa Séc, năm 2013, đã phát động nên chiến dịch có tên “STOP DRUGS” (Bài trừ ma túy). Theo đó, chiến dịch cho phép cộng đồng người Việt ở Séc trở nên chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại những kẻ buôn bán ma túy bằng cách tạo ra một điểm tiếp nhận các báo cáo về hoạt động phạm pháp.

Tờ rơi của chiến dịch "STOP DRUGS". (Ảnh: Hội Séc - Việt)

Mặc dù vậy, hình ảnh của cộng đồng người Việt trong mắt các người dân địa phương vẫn không mấy cải thiện, trong khi các thông tin mới liên quan đến chủ đề này ngày càng đẩy tình hình đi xa hơn, Marcel Winters, Chủ tịch Hội Séc - Việt nói với Nikkei.

“Vấn đề ma túy chỉ liên quan đến một vài chục tội phạm gốc Việt. Phần lớn người Việt Nam đang sống, làm việc, học tập (ở Cộng hòa Séc) đều tuân thủ đúng pháp luật. Họ không có mối liên hệ gì với việc sản xuất và buôn bán ma túy mà trên thực tế còn lên án nó” - ông Winters nói thêm.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Nikkei Asian Review.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói