Nhạc sĩ có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và “khúc tâm tình với người Hà Tĩnh”

(Baohatinh.vn) - Chiều qua, khi nghe tin về sự ra đi của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, bất giác tôi nghĩ đến câu hát: “Cả cuộc đời từ ngày hôm nay lên trang sách mới”… Câu hát ông viết cho quê hương tôi hôm nào giờ lại ngân lên để đưa tiễn ông - một người có quá nhiều “khúc tâm tình” với người Hà Tĩnh...

Nhạc sĩ có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và “khúc tâm tình với người Hà Tĩnh”

Với người Hà Tĩnh, từ lâu nay, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng là một người con của quê hương.

Thông tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý qua đời ở tuổi 94 không quá bất ngờ nhưng với những người yêu âm nhạc nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng, điều đó vẫn gieo cảm giác mất mát lớn ở trong lòng…

Một trang sách mới đã mở ra giữa cuộc đời lắm duyên nợ của người nhạc sỹ, khép lại những năm tháng tuổi già cô đơn, phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý (SN 1924) quê gốc ở Hà Nội, cha ông vào Vinh làm công nhân Nhà máy Xe lửa Trường Thi nên ông được sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Ấy thế mà tên tuổi của ông lại gắn bó với mảnh đất Hà Tĩnh nắng lửa mưa chan và những điệu dân ca da diết.

Gắn bó đến đỗi, đa phần người Hà Tĩnh mặc nhiên coi ông là đồng hương. Ông sống ở căn nhà nhỏ số 94/19 Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM và đó cũng là địa chỉ mà nhiều người Hà Tĩnh đã ghé thăm ông mỗi lần vào Sài Gòn.

Tôi cũng từng được chứng kiến, niềm yêu mến, ngưỡng mộ của người Hà Tĩnh dành cho ông mỗi lần ông về thăm “khúc tâm tình” của mình…

Nhạc sĩ có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và “khúc tâm tình với người Hà Tĩnh”

Ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” đã trở thành bài hát “nằm lòng” của nhiều thế hệ người Hà Tĩnh và trở thành cây cầu kết nối tình yêu của nhiều người với quê hương Hà Tĩnh.

Khi tôi lớn lên thì những ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ đã quá nổi tiếng rồi… Chúng tôi khi đó chưa hề biết Nguyễn Văn Tý là ai, chưa hiểu lắm về nội dung những ca khúc của ông nhưng chúng tôi đã hát cùng nhau suốt một thời tuổi nhỏ, đã lớn lên trong “bầu sữa” âm nhạc ấy. Để rồi khi lớn lên, đến bất kỳ miền đất nào, những bài hát ấy đã trở thành phương tiện để chúng tôi kể với bạn bè về quê hương mình với niềm tự hào sâu lắng…

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có cha là “trùm” một phường bát âm thạo cả hát văn, hát chèo và hát ca trù. Trong quãng thời gian đi học ở Vinh, ông lại may mắn được nhiều người thầy dẫn dắt đến với con đường âm nhạc.

Sau bài hát đầu tay Ai xây chiến luỹ (1947), tên tuổi của ông được nhiều người biết đến với ca khúc tiền chiến Dư âm (1950). Sau này, ông còn nổi tiếng với rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau nhưng có lẽ những bài hát ông viết về các miền quê như Hà Tĩnh, Bến Tre, Hà Bắc, Thái Bình… vẫn được yêu thích nhiều nhất.

Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ thành công với chất liệu dân ca. Tác phẩm của ông là kết quả của những khoảng thời gian dài gắn bó với đất, với người và được chắt chiu bằng những ân tình nhỏ nhất. Ông đã sắp xếp rất khéo léo tình cảm của con người, sức sống của vùng đất ông ở lại với chất liệu dân ca bản xứ.

Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa.... là những ca khúc giàu chất trữ tình, khiến người ta tìm thấy cái chung trong cái riêng tư.

Nhạc sĩ có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và “khúc tâm tình với người Hà Tĩnh”

Giờ đây ông đã thành mây, thành gió, đến với một cõi mơ hồ của âm nhạc...

Nói về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long từng chia sẻ: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào”.

Đó là một nhận xét đúng với suy nghĩ của nhiều người yên âm nhạc Nguyễn Văn Tý. Hà Tĩnh đã được biết đến, được yêu thương bởi những ca khúc đậm âm hưởng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của ông. Thậm chí, chính người Hà Tĩnh cũng đã được ông tiếp thêm rất nhiều cảm xúc, nghĩ suy để yêu và tự hào hơn về quê hương mình.

Kết thúc bài viết này, tôi lại hát lại một câu hát khác của ông, rằng: “Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn”. Giờ đây, ông đã thực sự thành mây, thành gió về với chốn mơ hồ nào đó. Và tôi nghĩ, ông đã thực sự đã trút bỏ được những nỗi buồn của tuổi tác và bệnh tật, chỉ còn lại một tâm hồn bao la để có thể thong dong muôn kiếp cùng âm nhạc.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast