Nuôi rắn độc trong nhà, nông dân Hà Tĩnh thu trăm triệu mỗi năm

(Baohatinh.vn) - "Mạo hiểm" đem giống rắn hổ trâu, hổ mang về nuôi trong nhà, gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần ở thôn 5, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đút túi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi rắn mang về cho gia đình ông Nhuần hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhận thấy nghề nuôi rắn ở nước bạn có hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Văn Thịnh cùng cha mình là ông Nguyễn Văn Nhuần quyết tâm xây dựng mô hình nuôi rắn. Quyết là làm, sau khi tìm hiểu qua báo chí, sách vở, 2 cha con ông lặn lội tìm đến làng chuyên nghề nuôi rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc để học nghề, mua con giống.

Sau chuyến “học khôn”, ông Nhuần đầu tư hơn 100 triệu đồng mua vật liệu xây dựng chuồng trại, đồng thời, liên hệ với cơ quan chức năng xin giấy phép, làm thủ tục nuôi rắn. Đến khoảng tháng 10/2014, 18 chuồng rắn trên diện tích khoảng 80 m2 được hoàn thành, gia đình ông Nhuần thả gần 450 con rắn giống hổ trâu và hổ mang.

Theo ông Nhuần, rắn không hung tợn và đáng sợ nếu con người biết cách tiếp cận.

Ông Nhuần chia sẻ: "Ban đầu, cũng có những thất bại do kỹ thuật nuôi còn hạn chế, lượng rắn chết không ít. Càng về sau, nhờ tích lũy được kinh nghiệm nên mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi rắn không quá khó, ít bệnh, ít tốn thức ăn. Rắn chỉ ăn thức ăn tự nhiên như cóc, chuột… nên gia đình tôi hàng ngày đi "săn" chuột. Một con rắn trưởng thành chỉ ăn hết khoảng nửa con chuột và 2 ngày mới phải cho ăn 1 lần; còn đến mùa đông, mỗi con chỉ ăn khoảng nửa con chuột trong… 1 tháng. Mỗi năm rắn đẻ 2 lứa vào tháng 5 và tháng 7, mỗi con đẻ khoảng 15 - 20 trứng/lứa".

Giống rắn hổ trâu và hổ mang dễ nuôi, ít bệnh tật và không tốn kém thức ăn.

Tiếp tục câu chuyện, ông Nhuần kể: Đến hiện tại, mô hình còn khoảng 200 con rắn trưởng thành, đang độ tuổi sinh sản.Trên thị trường, giá rắn thịt khoảng 700 nghìn đồng/kg, còn trứng rắn dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/quả, có bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu. Nuôi rắn cái đẻ trứng cho lãi cao, tính ra, 1 con mỗi năm có thể đẻ từ 30 - 40 quả trứng, cho doanh thu 3 - 4 triệu đồng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, kể cả tiền tái đầu tư, mở rộng chuồng trại, gia đình thu lãi ròng trên 100 triệu đồng từ 200 con rắn.

Hiện tại, ông Nhuần đang xây dựng thêm 350 chuồng nhỏ để nuôi rắn sinh sản, cho rắn ấp trứng để tự nhân giống thay vì phải mua con giống như trước đây. Đồng thời, khoanh vùng, đắp thêm 1 số hầm đất vừa tạo không gian sống cho rắn, vừa để tránh rét.

"Đặc biệt, nghề nuôi rắn cần tính cẩn thận và cả yếu tố gan dạ, rắn hổ trâu không có độc, còn rắn hổ mang tuy độc nhưng không hẳn hung dữ nếu mình biết cách tiếp cận. Tuy nhiên, hàng năm, chúng tôi vẫn đầu tư chi phí để gia cố chuồng trại, tuyệt đối không để rắn ra ngoài môi trường, gây nguy hiểm cho người khác. Gia đình sẵn sàng cung cấp rắn giống và kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nếu người dân muốn nhân rộng mô hình" - ông Nhuần chia sẻ thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói