Ô hay mùa Hạ!

Thế là những cánh phượng đầu mùa đã nở, bằng lăng cũng đã tím ngắt khắp các ngả đường. Hạ đã về theo tiếng con ve sầu vô duyên ầm ĩ.

Ô hay mùa Hạ!

Những ngày này, chắc hẳn nhiều tâm trạng nhất là đám học trò với vô vàn cảm xúc: “Xa thầy, xa bạn, xa trường/Xa luôn cả những con đường ngày xưa/Mùa Hạ với những cơn mưa/Đi về bất chợt, như xưa hẹn hò” (tác giả).

Ngày đó, mãi đến khi sắp tốt nghiệp cấp III, tôi mới thấm thía câu hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”.

Câu hát mà trước đó chẳng bao lâu, tôi còn nghêu ngao hát với một tâm trạng rất đỗi thờ ơ, mang chút gì đó tưng tửng và có hơi hướng xuyên tạc lăng nhăng.

“Thôi hết rồi bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi…”

Đó là những câu thơ đầy ám ảnh của Hoàng Nhuận Cầm mà tôi vô tình tiếp nhận và nhớ mãi từ độ ôn thi.

Có lẽ, chỉ những kẻ sắp bị đuổi khỏi trường vì mãn tuổi học sinh mới thấy nó thấm thía và da diết nhường nào. Ngày đó, những vần thơ viết vội, ngày đó, những cảm xúc bồi hồi, ngày đó là cả một bầu trời xanh mơ ước với cánh phượng hồng gợi đến những vần thơ.

Ô hay mùa Hạ!

Cánh Phượng hồng ngẩn ngơ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Khi những tờ lịch của tháng năm được bóc vội cũng là lúc mùa Hạ đánh úp đám học trò. Đó cũng là lúc mà đám học sinh cuối cấp III đang bắt đầu thấy lòng mình xao xuyến. Một nỗi buồn, một chút lắng lo và xao động cho một mùa thi phía trước.

Nhưng có lẽ, tất cả những cảm giác đó còn mong manh hơn nhiều cái bâng khuâng trong tâm hồn áo trắng. Hạ đã ngấp nghé… đâu đó trong các sân trường đã điểm sắc phượng hồng, thi thoảng, vài cánh bằng lăng tím nhạt nhòa bay trong gió, lăn tít cuối góc xa của miền ký ức, như hư, như thực, như hiển hiện trước mặt mà lại vô định tận nơi nào.

Ô hay mùa Hạ!

Cùng phượng, bằng lăng là đại diện tiêu biểu cho mùa Hạ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Mùa Hạ sở hữu riêng cho mình sắc đỏ của phượng hồng và sắc tím của bằng lăng, hai loài hoa đại diện rõ rệt nhất và lãng mạn nhất cho cái tuổi “cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ”.

Tôi còn nhớ mãi cái ngày sắp chia tay năm học cũ, khi mà lũ ve òa khóc như biết mình có lỗi, còn phượng giật mình bỗng hóa đỏ bâng khuâng thì thằng bạn mê họa vốn nhút nhát vô cùng mà chẳng hiểu sao cũng đánh bạo, làm liều mang bức tranh vẽ những cánh bằng lăng tím ngắt trên giấy dó, ngượng ngùng mang tặng cô nàng cùng lớp mà nó vốn “cảm”.

Từ bận đó, tôi cũng mới biết thích và cảm được cái đẹp đến nao lòng của sắc tím kia.

Ô hay mùa Hạ!

Loài hoa gợi nhớ nhiều kỷ niệm của tuổi học trò. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hà Nội giờ có nhiều phố trồng bằng lăng lắm, và cứ mỗi độ hè về, có không ít người lại thả bước lang thang để tìm lại cái nét tinh nghịch học trò khi ngắm nhìn các cô cậu học sinh tha thướt trong tà áo dài và sơ mi trắng tinh khôi ríu rít bẻ trộm ít cành hoa, xếp đầy giỏ xe và tung tăng trên khắp phố.

Con người ta vốn vô tình với thực tại nhưng đôi khi lại rất đỗi quyến luyến với quá vãng đã xa. Bắt gặp lại hình ảnh những người trẻ tuổi đang bước đi trên con đường mình đã bước, đang nghịch lại những trò ngày xưa mình và đám bạn đã làm, có lẽ, đó cũng là một cách để người ta tạm xua đi cái nỗi nhớ trường cũ, tình xưa.

Theo Thành Nguyễn/ĐTCK

Đọc thêm

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.
Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ với chủ đề “Hồng Lĩnh tự hào địa linh” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách về tham dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).