Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

(Baohatinh.vn) - Cách đây hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Hệ - ở thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là người hùng, khi đã cứu sống 34 người bị chìm đò trên hồ sông Rác.

Vậy nhưng, số phận của người phụ nữ nhân hậu này lại không may mắn, cuộc sống của gia đình bà từ đó lại là những chuỗi ngày dài khốn khó, nợ nần.

Video: Bà Hệ kể về quá trình cứu sống 34 người bị chìm đò trên hồ sông Rác

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

Ông Võ Quốc Tề (người bên trái) ở cùng xóm - người may mắn thoát chết nhờ bám được vào thuyền của bà Hệ năm xưa.

Ký ức kinh hoàng

Hỏi đường về nhà bà Hệ khá dễ dàng, bởi hầu hết người dân xã Kỳ Phong đều biết câu chuyện về người phụ nữ năm xưa từng cứu sống hàng chục người bị chìm đò trên hồ Sông Rác.

Giữa cái nắng chang chang đầu mùa, trên chiếc xe đạp cà tàng, bà Hệ với khuôn mặt phúc hậu vừa đi làm đồng trở về, mỉm cười chào chúng tôi. Bà Hệ là người gốc ở làng quê nghèo xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), theo chồng về xã Kỳ Phong sinh sống. Cuộc sống khó khăn nên bà cùng con trai đầu sắm thuyền máy làm dịch vụ chở người trên hồ Sông Rác lên núi Thầu Đâu kiếm củi.

Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, nét mặt ưu tư, bà Hệ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe ký ức về vụ chìm đò giữa hồ Sông Rác cách đây hơn 22 năm.

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

Hiện trường vụ đắm thuyền năm 1996... (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khoảng 7h sáng ngày 4/1/1996, trời rét như cắt, bà và con trai đang ngồi ở lán trên bờ hồ Sông Rác thì bỗng nghe tiếng kêu cứu giữa lòng hồ mịt mù sương sớm. Biết có chuyện chẳng lành, bà cùng con trai vội cho thuyền ra sông thì phát hiện thuyền của ông Võ Văn Di (ở xã Kỳ Tiến, Kỳ Anh) bị đắm.

Gần cả trăm người đang ôm nhau chới với dưới dòng nước buốt giá... Bà nhanh chóng dùng sào chìa xuống sông cho từng người nắm chặt rồi kéo họ lên thuyền của mình. Từng người, từng người một được kéo lên. Khi cứu sống được 34 người, bà buộc phải cho thuyền vào bờ để sơ cứu 2 người bị đuối nước nặng.

Vào bờ xong, hai mẹ con bà lại tiếp tục cho thuyền lao ra cùng với 2 thuyền đánh cá khác cứu thêm được 20 người nữa vào bờ an toàn. Nhưng vụ tai nạn kinh hoàng đó đã cướp đi sinh mạng 30 người dân của các xã: Kỳ Phong, Kỳ Bắc lúc bấy giờ. “Mặc dù cả hai mẹ con tôi đều rất muốn cứu thêm nhiều người nữa, nhưng không thể kịp, họ đã bị dòng nước nhấn chìm” – giọng bà Hệ như nghẹn lại.

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

....và cảnh tang thương 30 người chết trong một ngày (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đang trò chuyện thì ông Võ Quốc Tề (người cùng xóm với bà Hệ) - một nhân chứng sống trong vụ đắm thuyền năm xưa sang chơi. Ông Tề là người đi trên chiếc thuyền bị nạn, may mắn thoát chết nhờ bám được vào thuyền của bà Hệ.

Ông Tề nhớ lại: “Buổi sáng định mệnh hôm đó, rất đông người lên thuyền của ông Di qua sông đi kiếm củi. Do phía trước thuyền chở nhiều sọt đựng than nên mọi người phải đứng dồn về phía sau. Khi thuyền ra xa cách bờ chừng 300m thì phía đuôi bắt đầu chìm dần, nước tràn vào buồng máy. Con thuyền chao đảo, từng lớp người rơi xuống sông... Dù mẹ con bà Hệ đã cố gắng cứu người nhưng còn tới 30 người chết trong một ngày. Không khí tang thương bao trùm cả vùng quê....”

Những chuỗi ngày cơ cực

Cuộc đời của bà Hệ - người phụ nữ nhân hậu, can đảm liên tục gặp tai ương, gian khó. Chồng trước của bà Hệ hy sinh tại chiến trường. Thời gian sau, cảm thương hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Trung (cũng ở xã Kỳ Phong) - vợ mất sớm để lại 3 đứa con, bà Hệ theo ông về xây dựng gia đình cho đến nay. Hai vợ chồng sau này có thêm 2 người con chung.

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

Dù sức khỏe yếu, hàng ngày bà Hệ vẫn phải gắng gượng lao động để đảm bảo cuộc sống.

Sau vụ tai nạn đầy thương tâm ấy, người dân cũng ít đi thuyền sang núi kiếm củi hơn. Bà Hệ đành phải bán thuyền, cuộc sống của 8 người chỉ trông vào 3 sào ruộng nên bữa đói, bữa no...

Tai ương ập xuống khi người con trai đầu của ông Trung - bà Hệ là Nguyễn Văn Thực đi bộ đội ở QK 4 sang Lào khai thác gỗ thông không may bị tai nạn lao động chấn thương não. Bà phải đưa con đi khắp các bệnh viện T.Ư để điều trị nhưng cũng không lành hẳn. Chưa hết, con trai thứ 2 lại bị sốt ác tính, biến chứng nằm viện cả tháng trời rồi sau đó gặp nạn dập hết tụy, lách, tá tràng... Khốn khó đổ dồn, bà phải đi vay mượn cả trăm triệu đồng để chạy chữa cho con.

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

Tuổi cao, gánh nặng nợ nần, cuộc sống của vợ chồng bà Hệ chỉ có rau cháo qua ngày

Đến giờ, con cái đã lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn hai ông bà nương tựa vào nhau. Vết thương chiến tranh tái phát cùng với bệnh cao huyết áp nên ông Trung đau ốm thường xuyên. Mọi việc trong nhà đều do bà Hệ lo liệu. Cuộc sống gia đình giờ chỉ trông chờ 3 sào ruộng và 1,5 triệu đồng tiền chế độ thương binh hàng tháng của chồng. Con cái ai cũng nghèo nên chưa giúp được gì cho bố mẹ. Gần 70 tuổi, bà Hệ chưa có ngày nghỉ ngơi.

Cuộc đời khốn khó của người phụ nữ từng cứu hàng chục người bị chìm đò

Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp

“Gánh nợ nần đè nặng khi tôi phải vay tiền ngân hàng để trả nợ đóng thuyền. Thêm vào đó, sau nhiều năm gặp phải nhiều chuyện tai ương nên “lãi mẹ, đẻ lãi con”, hiện nay gia đình đang mắc nợ gần 300 triệu đồng. Ngân hàng mới gửi giấy nợ quá hạn về. Tôi chẳng biết tính sao, chắc phải bán nhà để trả nợ thôi” - Bà Hệ ngậm ngùi.

Chia tay ông bà, chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm cho cuộc sống đầy khó khăn của bà Hệ. "Người hùng” đã từng cứu sống hàng chục sinh mạng năm xưa sẽ ra sao nếu quyết định bán nhà trả nợ, dù đó chỉ là ngôi nhà cấp 4, xập xệ như hiện nay!

Sau vụ chìm đò trên hồ Sông Rác, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có thư khen, biểu dương bà Hệ và gửi tặng mẹ con bà 5 triệu đồng. Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bộ, ngành, hội tặng bằng khen về thành tích cứu người của bà Hệ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast