Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

(Baohatinh.vn) - Năm 2019, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) tiếp nhận 22 cá thể động vật hoang dã để thả về môi trường tự nhiên. Đây là thành công lớn của Vườn quốc gia Vũ Quang nhằm cứu các động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng...

Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

Vườn quốc gia Vũ Quang tiếp nhận cò mỏ thìa từ Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên ...

Vào khoảng 16h ngày 15/12/2019, trong khi đi chăn trâu tại cánh đồng Cựa, xã Thái Yên (sau sáp nhập thành xã Thanh Bình Thịnh - Đức Thọ), ông Phan Công Long (thôn Bình Tiến B) phát hiện và bắt được 1 cá thể trăn gấm dài 2,1m, nặng 13 kg.

Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ đã có mặt kịp thời để xác minh. Sau khi vận động, ông Phan Công Long đã tự nguyện giao nộp con trăn cho Vườn quốc gia Vũ Quang để thả về môi trường tự nhiên.

Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

... tiếp nhận khỉ mặt đỏ do người dân huyện Vũ Quang gửi đến

Trước đó, ngày 10/11/2019, ông Hồ Đăng Niên (trú tại thôn 8, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên) đã giao nộp một cá thể cò mỏ thìa cho cán bộ kiểm lâm Hà Tĩnh. Ông Niên cho biết, trong lúc đi qua chợ thấy có người bán con chim lạ nên mua về, sau đó ông nghi đây là loài động vật quý hiếm nên đã giao nộp cho cơ quan chức năng.

Đây chỉ là 2 trong số 12 loài với 22 cá thể động vật quý hiếm nằm trong danh mục IB, IIB (Sách Đỏ) cần phải bảo vệ khẩn cấp được các cá nhân, tập thể bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang như: Già đẩy Java, Cu li nhỏ, cò mỏ thìa, khỉ mặt đỏ, trăn gấm…

Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

Cán bộ Hạt kiểm lâm thu giữ 2 cá thể trăm gấm tại trang trại của ông Dương Thanh Tân ở thôn Nam Mới, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ: “Đơn vị quản lý diện tích rừng lên đến gần 58.000 ha, địa bàn sông suối bị chia cắt trong điều kiện thiếu hụt lực lượng kiểm lâm nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Đặc biệt là trong việc phát hiện bắt giữ đối tượng săn bắt thú rừng.

Vì vậy, muốn bảo tồn các loại động vật quý hiếm, giải pháp quan trọng nhất là làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cung cấp thông tin những đối tượng “tàng trữ” thú rừng". Từ định hướng đó, những năm gần đây, Vườn quốc gia Vũ Quang thường xuyên phối hợp với các địa phương: Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… cùng các đồn biên phòng đứng chân tại các huyện Hương Khê, Kỳ Anh… tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

...trả về nơi chúng sinh ra tại khu vực chùa Núi Trúc - xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân

Những nội dung tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phát hàng ngàn tờ rơi; lồng ghép các chuyên đề liên quan đến công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã trong những cuộc họp ở thôn xóm, xã và huyện mà còn được phối hợp với tất cả các trường học tổ chức tuyên truyền theo từng tháng, từng quý. Thậm chí, nhiều trường học còn tổ chức sân khấu hóa bằng các tiết mục được dàn dựng công phu liên quan đến các chủ đề đánh bắt, bẫy thú rừng… để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên những vụ nuôi nhốt động vật hoang dã đều được người dân phát hiện và báo cho lực lượng chức năng đến vận động, thu hồi trả về môi trường tự nhiên. Cùng với đó, 10 đội kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang thường xuyên tuần tra xem xét phát hiện những hành vi săn sắt thú rừng. Năm 2019, lực lượng chức năng Vườn đã thu giữ gần... 1000 bẫy thú rừng.

Hà Tĩnh giải cứu động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bàn giao cá thể động vật hoang dã cho các chuyên gia thuộc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã rừng Cúc Phương (Ninh Bình)

Theo Phó trưởng Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Vũ Quang Nguyễn Việt Hùng: “Đối với động vật hoang dã, sau khi tiếp nhận, Vườn sẽ kiểm tra xem xét tình trạng sức khỏe để có chế độ chăm sóc, bồi dưỡng phù hợp. Đồng thời, Vườn sẽ căn cứ vào môi trường tự nhiên của từng loài để phối hợp với các đơn vị liên quan như Vườn U Minh (Cà Mau), Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Phù Mát (Nghệ An) đưa chúng về môi trường tự nhiên".

“Để bảo vệ tốt hơn nữa các loài động vật trong Sách Đỏ, cần hơn nữa sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trước mắt, Hà Tĩnh cần thành lập một trung tâm cứu hộ cứu nạn có đủ trang thiết bị cũng như trình độ chuyên môn để hỗ trợ các loài trước khi trả chúng vè với rừng xanh” - Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ đề xuất.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast