Phát hiện dòng sông dài 10,5 km chứa đầy sinh vật dưới băng

Khi đưa camera xuống độ sâu hàng trăm m dưới thềm băng, các chuyên gia kinh ngạc phát hiện nhiều sinh vật sống ở nơi tối tăm này.

Thế giới những sinh vật thuộc bộ Giáp mềm ẩn dưới thềm băng. Video: Craig Stevens/NIWA

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand (NIWA) dùng vòi nước nóng xuyên thủng thềm băng Ross, thềm băng lớn nhất Nam Cực, và phát hiện một dòng sông dưới băng dài khoảng 10,5 km, rộng hơn 274 m, sâu 244 m, Cnet hôm 7/6 đưa tin.

“Hãy tưởng tượng nơi đây giống như cảng Sydney nhưng ở dưới 600 m băng tuyết. Dưới đó hoàn toàn tối đen vì quá sâu để ánh sáng mặt trời chiếu tới và cũng cực kỳ lạnh”, Craig Stevens, nhà hải dương học tại NIWA, cho biết.

Phát hiện dòng sông dài 10,5 km chứa đầy sinh vật dưới băng

Lỗ sâu dẫn xuống dòng sông dưới băng ở Nam Cực. Ảnh: Craig Stevens/NIWA

Đây không phải nơi lý tưởng cho sinh vật sống. Tuy nhiên, khi thả thiết bị ghi hình xuống, các nhà nghiên cứu bất ngờ khi thấy dòng sông chứa đầy sinh vật thuộc bộ Giáp mềm (Amphipoda). Những sinh vật giáp xác giống tôm này bơi tán loạn khắp nơi dưới ánh sáng từ đèn camera.

“Việc chúng bơi xung quanh camera của chúng tôi cho thấy chắc chắn có một quá trình sinh thái quan trọng đang diễn ra ở đó. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm bằng cách phân tích mẫu nước để kiểm tra những thứ như chất dinh dưỡng”, Stevens nói.

Thế giới bên dưới Nam Cực vẫn chứa nhiều bí ẩn vì việc tiếp cận những cột nước hay dòng sông dưới băng như vậy đặc biệt khó. Các nhà khoa học phải chiến đấu với thời tiết, khoan hoặc làm tan lớp băng dày để đưa drone hay camera xuống. Đó là lý do tại sao Endurance, con tàu nổi tiếng của nhà thám hiểm Ernest Shackleton, mất tích suốt hơn một thế kỷ tại Nam Cực.

“Ở một mức độ nào đó, mọi thứ mới mẻ đến mức chúng tôi chỉ cần dùng dây thừng thả camera xuống là có thể thu được những cảnh tượng chưa từng thấy trước đây”, Stevens nói.

Một câu hỏi đặt ra với các sinh vật được phát hiện dưới thềm băng Ross là thứ gì cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng. “Đó có lẽ là điều khiến chúng tôi tò mò nhất”, ông chia sẻ.

Đây là thời điểm thích hợp để nghiên cứu những nơi chưa từng khám phá về sinh vật Nam Cực và đặt ra các câu hỏi như vậy. Các phần của Nam Cực đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Điều này có thể tạo điều kiện cho những loài ngoại lai chuyển đến, gây hại cho các hệ sinh thái mong manh từ lâu đã tách biệt với phần còn lại của thế giới.

Stevens cho rằng bước đầu tiên để hiểu được tầm quan trọng của các dòng sông dưới băng này với Nam Cực là tìm ra những điểm giống và khác của chúng so với sông bình thường. Nhóm nghiên cứu dự định phân tích mẫu nước và kiểm tra các chất dinh dưỡng. Điều này có thể giúp họ hiểu được sinh vật sống phát triển như thế nào ở nơi cách xa ánh sáng và đại dương rộng mở.

Theo Thu Thảo/VNE (Cnet)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.