Theo Space đưa tin, các nhà khoa học đến từ ĐH Warwick (Anh) mới đây đã phát hiện ra 1 một hành tinh khổng lồ, mang tên NGTS-1b. Được biết hành tinh này có tỷ lệ kích thước so với ngôi sao chủ lớn nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.
Để phát hiện ra hành tinh này, các chuyên gia của ĐH Warwick đã sử dụng thiết bị Next-Generation Transit Survey (NGTS) - hệ thống kính viễn vọng nhỏ nhưng có trường quan sát rộng để tìm kiếm các hành tinh quay quanh ngôi sao chủ.
Nghiên cứu sâu thêm, giới khoa học phát hiện, NGTS 1b là hành tinh khí nóng, cách Trái đất khoảng 600 năm ánh sáng, kích thước tương đương với sao Mộc và lại quay xung quanh một ngôi sao chủ nhỏ hơn - có bán kính và khối lượng bằng 1/2 Mặt trời.
Trước đây, giới khoa học cho rằng, những ngôi sao nhỏ có thể "cho ra đời" hành tinh đá, nhưng không thể đủ vật chất để tạo ra những hành tinh lớn như sao Mộc được. Điều này dường như đi ngược lại với lý thuyết thiên văn - khi 1 ngôi sao quá nhỏ không thể tạo ra được 1 hành tinh lớn hơn, to như sao Mộc.
Được biết, hành tinh này cách ngôi sao chủ khoảng 4,5 triệu km, chỉ bằng 3% khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất (tương đương khoảng 150 triệu km).
Mỗi chu kỳ quay quanh ngôi sao chủ của NGTS-1b chỉ mất 2,6 ngày. Điều đó có nghĩa là một năm trên NGTS-1b kéo dài khoảng 2,6 ngày. Nhiệt độ đo được trên hành tinh này khoảng 530 độ C.
Tiến sĩ Daniel Bayliss ở tổ Thiên văn và Vật lý thiên văn tại Đại học Warwick chia sẻ: "Phát hiện về NGTS-1b hoàn toàn bất ngờ với giới nghiên cứu bởi không ai có thể tin rằng, hành tinh lớn như thế này lại có thể tồn tại quanh 1 ngôi sao chủ nhỏ như vậy được".
Hiện giới nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu bởi họ tin rằng, vẫn còn nhiều hành tinh khổng lồ kiểu này chờ được khám phá. Và với thiết bị mới NGTS thì chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt điều đó.