Phim 'Biệt động Sài Gòn': Chiến thắng lớn nhất là tìm được sự hòa hợp

Ngày nay, thật khó để kể lại những thành công và sức tác động lớn lao của bộ phim Biệt động Sài Gòn (4 tập, KB: Lê Phương - Nguyễn Thanh, ĐD: Long Vân), vốn được bấm máy từ năm 1982. Chỉ có thể khẳng định, đây là phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về lực lượng “biệt động thành”, mà khán giả của cả “hai chiến tuyến” đều có thể xem. Theo ước tính của ông Vũ Văn Nha (chủ nhiệm phim này), đã có khoảng 10 triệu lượt khán giả xem phim trên màn ảnh rộng, chưa kể DVD, trực tuyến.

Mỗi lần ám sát thành công, biệt động Sài Gòn thường để lại dấu vết nhằm tạo thanh thế

Được làm cùng thời và cùng tâm thế với Ván bài lật ngửa (phim đen trắng, 8 tập, ĐD: Lê Hoàng Hoa), nhưng Biệt động Sài Gòn là phim màu, gồm các tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em. Lối diễn xuất của Thương Tín, Quang Thái, Thanh Loan, Thúy An, Hà Xuyên, Bùi Cường, Đỗ Văn Nghiêm, Robert Hải, Kim Chi, Nguyễn Mai A, bé Vân Dung… và vài chục diễn viên khác đã để lại ấn tượng khó quên. Có thể vì chủ đích riêng, có thể vì tinh thần “tôn trọng hiện thực khách quan” tối đa, đạo diễn Long Vân đã thành công ở khả năng tìm sự cảm thông, chia sẻ từ người dân ở hai chiến tuyến.

Biệt động thành là một lực lượng đấu tranh rất đặc thù, gần như chỉ có ở đô thị Sài Gòn từ sau những năm 1961 cho đến thời điểm 30/4/1975. Khác hẳn với lực lượng đặc công chính quy, được trang bị đào tạo quy chuẩn, biệt động thành có thể là bất kỳ ai, chỉ cần giấy tờ tùy thân hợp lệ, để nương náu trong dân và làm nhiều nhiệm vụ, từ tác chiến, che giấu cho đến liên lạc, điều tra địch tình, vận chuyển... Nếu các trận tác chiến của đặc công thường diễn ra ban đêm, thì của các biệt động là ban ngày, chớp nhoáng trong khoảng 3-5 phút, chủ yếu gây thanh thế.

Làm phim về lực lượng này, dù hấp dẫn, nhưng rất khó, vì thông tin về họ đã ít, lại bí mật. Đó là chưa nói nhiều người tham gia biệt động nhưng sau đó “biệt tăm”, vì họ nghĩ nhiệm vụ âm thầm, sự đóng góp lặng lẽ của mình đã xong, không cần kể công nữa.

Thúy An trong vai Ngọc Lan, cô bán cháo vịt Ngọc Lan, đặc tình và là người yêu của Sáu Tâm

Hiện thực + hư cấu hợp lý

Khởi động từ năm 1981, vốn là phim được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM) đặt hàng. Trong một cuộc trò chuyện, đạo diễn Long Vân kể: “Tôi đã nghe nhiều chiến công lừng lẫy của các chiến sĩ biệt động, nên cũng rất khoái làm, chỉ có điều, tôi chưa hiểu lắm về các anh, đề nghị anh cho mời các chiến sĩ biệt động lẫy lừng như ông Tư Chu, Bảy Bê... để tôi được gặp mặt”.

Hãng phim đề nghị ông cộng tác với biên kịch Lê Phương, người vốn giỏi hư cấu, để viết kịch bản. Biên kịch Nguyễn Thanh thì nhớ lại: “Chỉ một ngày sau giải phóng, được sự giới thiệu của Bộ Tư lệnh Sài Gòn, tôi đã được gặp những con người từng làm nên những kỳ tích thần thánh ấy”. Sau những ráp nối, kịch bản Biệt động Sài Gòn là kết quả của một hiện thực sinh động (do Nguyễn Thanh ghi lại) và cách hư cấu hợp lý, hấp dẫn (công việc của Lê Phương). Từ đây, Long Vân làm tiếp công việc của mình, với tinh thần sáng tạo là trên hết.

Cũng xin lưu ý, đó là những năm tháng vừa giải phóng, với một phim được đặt hàng, nếu làm không khéo thì sẽ trở thành sản phẩm tuyên truyền vụng về, chỉ cốt ca ngợi chiến thắng (điều mà nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thời này khó tránh khỏi). Biệt động Sài Gòn cũng được làm với mục đích ca ngợi chiến thắng, nhưng có lẽ vì tôn trọng hiện thực khách quan, phim đã phác họa được một phần hình ảnh, phong thái của chính quyền, đô thị Sài Gòn trước 1975. Đây là điểm đầu tiên làm cho phần đông khán giả miền Nam lúc đó có thể xem phim một cách thoải mái hơn, nhất là về mặt tâm lý.

Thương Tín trong vai Sáu Tâm, một biệt động dũng cảm. Đây là vai diễn không lớn của Thương Tín thời hoàng kim, nhưng lại lại được khán giả nhớ nhất.

Cái nhìn đa diện

Nhìn diện mạo bề ngoài, Biệt động Sài Gòn có đầy đủ diễn tiến của một phim chiến tranh, vẫn là những trận chiến, có khi khốc liệt, như ở địa đạo Củ Chi chẳng hạn. Nhưng cốt lõi, nó khác biệt ở khả năng mô tả đời sống và tâm tư tình cảm của hai bên chiến tuyến. Trong khuôn khổ cho phép, ê-kíp đã cố gắng tìm cái nhìn khách quan, chân thực, nhằm cắt nghĩa vì sao lực lượng biệt động thành, vốn đông đảo, có thể tồn tại nơi đô thị Sài Gòn. Biệt động sống được, hoạt động được là do người dân che giấu, từ dân mà ra, từ dân mà trở về.

Nếu hời hợt, người làm phim có thể phác họa người Sài Gòn dễ dãi, lực lượng vũ trang, an ninh của chính quyền Sài Gòn cũ yếu nghiệp vụ, thiếu nhiệt huyết, còn biệt động thành thì tinh nhuệ, khôn ngoan. Nhưng Long Vân chọn cách khác, ông chỉ phác họa một xu thế của thời đại, nơi có nhiều người dân hướng đến cách mạng, nên các biệt động thành mới sống được trong cảm tình đó. Nhìn ở khía cạnh này, đây có lẽ là phim sớm nhất có cái nhìn phân tích về sự hòa hợp và hòa giải, điều mà thời bấy giờ ít ai nghĩ đến.

Tuy gián tiếp, nhưng phim cũng đã cảnh báo về sự gìn giữ và đánh mất lòng dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nên thành công lớn nhất của phim Biệt động Sài Gòn không chỉ dừng lại ở những chiến công lẫy lừng của một lực lượng vô tiền khoáng hậu, mà còn bắt được nhịp cầu lòng dân từ thời chiến sang thời bình.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói