Tim nhân tạo của Carmat. Ảnh: CNN
Theo kênh CNN, bệnh tim gây chết người nhiều nhất thế giới. Ở nước phát triển, cứ 5 người thì có một người sẽ bị suy tim trong đời.
Trong trường hợp tệ nhất, cách chữa trị duy nhất là cấy ghép. Do có nhiều người suy tim hơn là người hiến tim, nên các bệnh nhân có khi phải chờ hàng năm trời mới được cấy ghép.
Quả tim nhân tạo của Carmat là để giúp những người như vậy. Thiết bị này có hình dạng giống tim người, nặng 4kg, chạy bằng hai bộ pin.
Các cảm biến xác định huyết áp và sau đó, thuật toán sẽ kiểm soát lưu lượng máu theo thời gian thực. Tổng giám đốc điều hành Carmat, ông Stephane Piat cho biết: “Tim hoạt động như tim người nên nếu bệnh nhân đi bộ, lưu lượng máu sẽ tăng lên và nếu bệnh nhân nghỉ ngơi, lưu lượng máu sẽ ổn định và giảm xuống.
Các bộ phận tiếp xúc với máu bệnh nhân được làm bằng vật liệu tương thích với cơ thể nhằm giảm nguy cơ phản ứng tiêu cực. Sau khi được ghép, thiết bị này không cần bảo trì.
Tới nay, 19 bệnh nhân đã được ghép tim nhân tạo trong các cuộc thử nghiệm. Vào tháng 12/2020, công ty này đã nhận nhãn hiệu CE, tức là được phép bán sản phẩm ở Liên minh châu Âu.
Tháng trước, công ty được phép nghiên cứu tính khả thi để được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đồng ý.
Carmat hi vọng bắt đầu bán tim nhân tạo tại Đức vào cuối tháng 6 tới. Cuối năm nay, công ty muốn sản xuất 20 quả tim để bán cho các bệnh viện với giá 190.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng). Mặc dù tim nhân tạo phù hợp với phần lớn nam giới nhưng kích thước hiện tại lại quá to với đa số phụ nữ.
Carmat được thành lập năm 2008, có 190 nhân viên và đã nhận được hơn 300 triệu USD tiền vốn.
Nhiều chục năm qua, các nhà nghiên cứu đã cố gắng chế tạo bơm cơ học có thể thay thế tim hoàn toàn. Tuy nhiên, các nỗ lực đều gây đột quỵ, đông máu và nhiễm trùng. Còn vật liệu mà Carmat dùng cho tim nhân tạo lại thành công, là bước đi đúng hướng.
Theo nghiên cứu của công ty IDTechEx, thị trường công nghệ về bệnh tim mạch sẽ trị giá trên 40 tỷ USD tới năm 2030. Có nhiều nơi đang phát triển tim nhân tạo hoàn toàn nhưng thiết bị duy nhất có mặt trên thị trường hiện nay là của công ty SynCarrdia ở Mỹ. Tim này có nhịp đập cố định, tự động chứ không tùy vào hoạt động thể chất của bệnh nhân.
Công ty CorWave của Pháp cũng đang phát triển thiết bị cho người suy tim ít nghiêm trọng hơn. Thiết bị giúp bơm máu từ một trong bốn buồng của quả tim, chứ không thay thế cả quả tim.