Tiếng vịt mồng năm

(Baohatinh.vn) - Thành phố sáng mồng 5 tháng 5, tiếng vịt lao xao, nhộn lên trên các ngã đường góc chợ. Thành phố - tiếng vịt kêu, sự đối sánh lệch pha gợi nhiều nỗi nhớ. Tiếng vịt nối nhau vang ra từ những chiếc Wave, Dream theo các ngả đường về thôn dã.

Tết mồng 5, người Việt chân chất gọi đó tết sâu bọ, từ lâu đã thành… tết truyền thống. Tết mồng 5 từ Trung Nguyên chuyển về nước Việt nhưng mang một hình thái khác, ý nghĩa khác, vì thế tên tuổi ông Khuất Nguyên, người dân chả nhớ để làm gì. Từ lâu, người Việt đã truyền vào máu thịt nhau: tết mồng 5 là tết của báo hiếu, là ngày con hướng về cha mẹ, cháu con ngưỡng vọng ông bà tổ tiên, thắp nén nhang để thấy lòng thanh thản. Nói thế để thấy, chữ “hiếu” trong tình cảm người Việt đã trở thành nét tính cách nổi bật, chủ đạo trong đời sống đa tình.

Người dân mua vịt trong dịp Tết Đoan ngọ

Người dân mua vịt trong dịp Tết Đoan ngọ

Xuôi ngược theo các ngả đường, vịt kêu lao nhao, gợi nỗi nhớ mùa màng ngầy ngậy rơm, toóc (rạ). Muôn đời tiếng vịt vẫn kêu là vậy nhưng cảm xúc của con người trước tiếng vịt lại khác theo thời gian. Tiếng vịt mồng 5 khi xưa là nỗi khát thèm, là cái no, bữa thịt đầy trong những ngày thiếu cơm, thiếu gạo.

Ngày nay, tiếng vịt lao xao gợi đến một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Tiếng vịt mồng 5 ngày tôi còn là kẻ chăn trâu vang lên trên các cánh đồng, quyện vào mùa đang thu hoạch.

Ngày đó, cấy hái vất vả, lúa chủ yếu dài ngày, mồng 5 thường là độ rộ gặt. Cũng vì thế, mồng 5 thường được gọi là tết cơm mới. Ngày đó, nhiều gia đình cũng ăn mồng 5, nhiều người đi mua vịt nhưng là mua trên cánh đồng khi vịt thả rông.

Cái cảm giác cùng ông chủ bầy vịt lấy gậy đuổi bắt con đẹp, to trong bầy đàn dầu thỏa thuê, vui thích, nhất là khi lấm lem bùn đất nhưng có gì đó ám ảnh như nợ nần, gợi liên miên đến sự tình lam lũ. Ngày nay, mồng 5 lúa đã xanh đồng. Các bộ giống mới kéo ngắn ngày thời vụ. Vịt vắng tiếng trên các cánh đồng. Thay vào đó, vịt kêu trên các nẻo đường đến chợ.

Đã vịt thì phải có bánh đa. Bánh đa và vịt là cặp kết hợp ngon miệng, nhưng không chỉ thế, còn là sự kết hợp gợi đến mùa màng. Vịt là “khắc tinh” của sâu bọ, vịt là sản phẩm của nhà nông, gắn với cây lúa và người làm ruộng; bánh đa là sản phẩm đặc trưng, cất ra từ hạt gạo trắng ngần. Cuộc sống người dân đã đủ đầy nhưng nhà nhà vẫn ăn vịt kẹp bánh đa, điều đó cho thấy tâm thức thôn dã vẫn còn rất bền chặt, đó là tâm lí cộng đồng - nét văn hóa không dễ gì thay đổi theo thời gian.

Vịt xôn xao ngoài đường, rũ đầy lông trên các nẻo, nhưng đằm sâu trong mỗi gia đình là mùi hương trầm và tiếng tâm tình trò chuyện, xen lẫn tiếng í ới gọi nhau bên hàng xóm.

Đã từ lâu, mồng 5 là tết sum họp gia đình. Cháu con về với ông bà, cha mẹ và mọi người không bao giờ quên thắp lên bàn thờ những que nhang tưởng nhớ. Lòng niệm cầu những điều tốt đẹp. Điều đó chẳng dám chắc chắn, chỉ biết rằng, điều tốt đẹp nhất trong một thời khắc đã hiển hiện: đấy là tình cảm gia đình, đấy là đoàn tụ, là tưởng nhớ mạch nguồn để giáo dục cho cháu con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast