Nhiệt độ giảm sâu, nhiều trẻ em và người già nhập viện

(Baohatinh.vn) - Nhiệt độ giảm sâu (10 - 16 độ C) khiến tỷ lệ bệnh nhi và người già nhập viện tăng. Nhóm bệnh nhân này tăng ở hầu hết các bệnh viện, trong đó tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trẻ em nhập viện do bệnh hô hấp và tiêu hóa

Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, hầu hết các buồng bệnh đều kín bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (ở thị trấn Thạch Hà) đang chăm sóc con trai 2 tuổi cho biết: “Mấy hôm thời tiết lạnh quá nên cháu bị ho, sổ mũi, tôi mua thuốc về cho cháu uống nhưng không đỡ. Cháu sốt cao trên 40 độ, lên cơn co giật nên gia đình phải đưa vào bệnh viện. Qua thăm khám mới biết cháu bị viêm phổi nặng. Được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời, chăm sóc tận tình nên bệnh cháu đỡ hơn nhiều rồi”…

Nhiệt độ giảm sâu, nhiều trẻ em và người già nhập viện

Bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh theo dõi sức khỏe bệnh nhi

Bác sĩ Lê Hữu Anh - Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: "Một tuần nay, nhóm bệnh về đường hô hấp cấp (viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi) và tiêu hóa (tiêu chảy do virus rota) ở trẻ tăng đột biến, chiếm 80% số trẻ nhập viện là độ tuổi dưới 24 tháng. Bệnh viện đã cố gắng sắp xếp không để bệnh nhi phải nằm ghép, che chắn hành lang, đảm bảo phòng bệnh được ấm áp.

Để phòng bệnh về đường hô hấp cho trẻ, theo bác sĩ Anh: Phụ huynh cần giữ ấm phần cổ, ngực cho cháu, không cho trẻ uống nước đá, đồ uống lạnh. Ngoài ra, khi thấy trẻ có biểu hiện ho, sốt cao, nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Đối với những trẻ có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nặng.

Nhiệt độ giảm sâu, nhiều trẻ em và người già nhập viện

Điều dưỡng khoa Nhi BVĐK Hà Tĩnh hướng dẫn người nhà sử dụng máy khí dung cho trẻ

Đối với bệnh do virus rota, thường gặp ở trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời, nhất là trẻ từ 3 - 24 tháng tuổi. Nếu thấy trẻ bị tiêu chảy kèm ho, sốt, các vị phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm.

Ngoài ra, trong mùa lạnh, bậc cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, uống nhiều nước, giữ vệ sinh tay chân, chăm sóc răng miệng sạch sẽ giúp phòng bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý tới giấc ngủ của trẻ, một giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn.

Người già đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp đột ngột

Nhiệt độ giảm sâu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người già. Theo Tiến sĩ Lê Văn Dũng - Trưởng Khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong một tuần trở lại đây, bệnh nhân nhập viện tăng, chủ yếu ở nhóm bệnh: đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu não (chiếm 30% đến 40%); nguyên nhân là do tăng huyết áp đột ngột. Ngoài ra, số bệnh nhân bị mạch vành, suy tim cấp, suy tim mãn cũng nhập viện nhiều vào thời điểm này. Phần lớn bệnh nhân ở độ tuổi trên 60, bên cạnh đó cũng có một số bệnh nhân còn trẻ, dưới 35 tuổi.

Nhiệt độ giảm sâu, nhiều trẻ em và người già nhập viện

Nhiệt độ giảm sâu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người già

Tiến sĩ Lê Văn Dũng khuyến cáo: Cơ thể người già dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch đã suy giảm. Đặc biệt với thời tiết lạnh, người già thường mắc phải một số bệnh như: hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, mạch vành, suy tim các loại, các bệnh lý về van tim và bệnh mạch máu ngoại vi.

Để phòng bệnh trong mùa lạnh, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hằng ngày, súc họng bằng nước muối sinh lý. Thực hiện thể dục khoa học, vận động thân thể ở trong nhà. Theo dõi các chỉ số tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường. Tăng cường ăn rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu... nhằm làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast