"Phê" khói shisha, sẽ sớm thành... ma!

(Baohatinh.vn) - Dù không nằm trong danh sách cấm như ma túy, ma túy đá, thuốc lắc... nhưng shisha vẫn là chất kích thích được khuyến cáo nguy hiểm đối với người sử dụng. Vậy nhưng, không phải tìm đâu xa, cũng không phải lén lút như các chất kích thích khác, làn khói shisha đang bủa vây một số quán cà phê trên địa bàn, thu hút sự tò mò của khá nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh.

Khói shisha bắt đầu “vây” giới trẻ

Trong một lần tình cờ tụ tập bạn bè ở một quán cà phê mới khai trương, chúng tôi khá “choáng” bởi hình ảnh những nam thanh, nữ tú thi thoảng ngậm ống hút, khẽ riết và nhả ra những vòng khói trắng khá điệu nghệ. Thấy vẻ mặt có phần hốt hoảng của anh chị “thanh niên già” khi thấy những các em tuổi teen nhả khói, một cậu em tầm 15 tuổi ngồi bàn kế bên rỉ tai: “Không phải đập đá mô mà mặt các chị xanh lét rứa. Shisha đó, làm bình cho thơm mồm, bổ phổi”.

"Phê" khói shisha, sẽ sớm thành... ma! ảnh 1

Trong một quán cà phê “cấp xã", khói shisha đã được giới trẻ đón nhận "nhiệt tình" trong khi những hiểu biết về loại thuốc này rất hạn chế.

Lân la hỏi chuyện, cậu em tên D. sành sõi thuyết minh chi tiết về cái gọi là shisha mà chúng tôi đã từng nghe qua khi biết đây là một thú chơi không an toàn cho sức khỏe. “Shisha là tên một kiểu hút thuốc qua dụng cụ chứa nước giống như hút thuốc lào. Vì có xuất xứ từ Ả Rập nên còn có tên khác là thuốc lào Ả Rập”. Vừa nói, D. vừa cầm vòi hút đưa lên riết một hơi và từ từ nhả khói ra từ mũi với vẻ rất nhà nghề.

D. tiếp lời hóm hỉnh: “Đó, các chị có ngửi thấy thơm không, mùi bạc hà mát lạnh cả người đấy. Em hút mấy lần thấy vị này là phê nhất, còn các chị mới hút thì dùng mấy vị táo, dâu, cà phê cho nhẹ nhàng. Nguyên liệu để làm shisha là mật ong, lá và rễ cây được ướp hương các loại trái cây tạo mùi thơm nên không độc hại gì đâu, chỉ buồn ngủ tí thôi, các chị cứ yên tâm mà thử nhé”.

Bẵng đi tầm 20 phút mải mê vui vẻ với hội bạn, D. quay sang bàn chúng tôi thăm dò: “Ơ, rứa là mấy chị này không thử cho biết à? Em bật mí nhé, quán này pha chế “chuẩn không cần chỉnh” luôn. Này nhé, để có một bình shisha ngon, người pha phải biết cách điều chỉnh hàm lượng thuốc theo công thức phù hợp, cho đến cách châm lỗ để than. Thuốc được bỏ trong cái này này (vừa nói, D. vừa chỉ vào cái nhỏ xíu gắn trên đầu chai), trên miệng được dán bằng giấy bạc và bỏ than bên trên. Nếu giấy bạc không khít với miệng chai, khi hút sẽ rất khắt và rát cổ. Đây cũng là bí quyết đấy nhé, em hút đây quen rồi, không phải người pha chế chính làm là biết ngay”.

Hút thơm, nhẹ nhàng, lại rất rẻ (từ 50-100 nghìn đồng/bình cho 5-10 người hút) nên dù mới xuất hiện tại địa bàn tỉnh ta cách đây không lâu nhưng shisha khá được ưa chuộng với đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Chẳng thế mà, khoảng 10 bàn khách trong quán thì có đến 70% trong số đó là có “món” shisha mới lạ đầy mê hoặc. Cả quán ngập trong khói shisha với đủ mùi vị. Các “thượng đế” nhỏ tuổi thay nhau nhả khói với vẻ mặt đê mê.

Sau một hồi dò la, thám thính, cuối cùng, chúng tôi cũng quyết định “mục sở thị” một bình shisha vị việt quất với giá 80.000 đồng cho 5 người hút. Nhìn qua, bình shisha được cấu tạo khá đẹp mắt bằng hình trụ dài khoảng 40-50 cm, phía trên cùng là viên nén than đang cháy, tiếp đến là tờ giấy bạc dùng để ngăn cách giữa than và thuốc (dạng lỏng), hai bên thành bình là 1 ống hút và dưới cùng là bình thủy tinh có chứa nước lạnh. Với cơ chế hoạt động đơn giản: than đốt cháy thuốc sinh ra khói và lọc qua nước, thứ khói lọc ra đó chính là hơi thuốc thơm lừng được những khuôn miệng xinh yêu của các em tuổi teen hút vào cơ thể.

Hút shisha có ngày… “đi xa”

Khi chúng tôi chê vị shisha hơi nhạt, chị chủ quán phân bua: “Lúc nãy chị không biết, cứ tưởng mới hút nên chị chế hơi nhẹ tay, để lần sau chị bù lại nhé”. Dường như nghe được cuộc trò chuyện, D. lại quay sang tiếp lời: “Ôi dào, nặng hay nhẹ thì các chị phải “xi nhan” với chủ quán trước chứ. Ở đây thì em mới thấy có pha thêm rượu vào bình nước lạnh để tăng thêm độ “phê”, chứ nhiều chỗ thêm ABC (ma túy, cỏ, đá… - PV) thì có nghe nói nhưng không chắc có không”. Vậy là, nếu có thật như thế thì từ hút shisha đến nghiện các chất kích thích chỉ là gang tấc.

Trong thứ âm thanh hỗn tạp của quán cà phê được bài trí khá đẹp mắt, chúng tôi vô tình nghe được đoạn hội thoại của một nhóm thanh niên vừa rời bàn hút shisha đối diện. “Mi chở nha, tự nhiên tau buồn ngủ ghê gớm”/ “Ê, tau cũng rứa. Thôi nghỉ tí cho qua cơn rồi về”. Đó là hiện tượng “sập khói” (tiếng lóng chỉ hiện tượng hai mí mắt buồn ngủ nên cứ kéo sập mí lại - PV) sau khi hút shisha. Hay cũng có trường hợp do chưa quen nên bị say thuốc với trạng thái lâng lâng, chóng mặt và hơi đau đầu.

Thực tế, chưa có tài liệu tổng kết về tác hại của khói thuốc shisha tại Việt Nam trong thời gian qua. Các văn bản pháp luật quy định nghiêm cấm việc mua bán, tàng trữ, sử dụng shisha đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút shisha gây hại cho sức khỏe không kém việc hút thuốc lá, nếu sử dụng nó cùng ma túy thì càng đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng.

Chưa kể, nếu kết hợp shisha với ma túy đá thì nguy cơ gây nghiện là điều khó tránh khỏi. Theo phân tích, loại khói thuốc này cùng với lượng nicotine trong shisha sẽ tàn phá phổi của người hút về lâu dài và gây ra các bệnh về tim mạch, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến ung thư. Ngoài ra, việc dùng chung ống hút shisha có thể khiến người hút bị lây nhiễm virus cúm, viêm gan siêu vi C và nhiều bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác.

Hiện nay, pháp luật đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng và đưa ra nhiều chế tài xử lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đối với việc hút shisha vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể, chính thức để kiểm soát, ngăn chặn. Trong khi shisha mặc dù mới xuất hiện ở tỉnh ta nhưng đã trở thành một thú chơi lạ, hấp dẫn và dễ tìm khi được bán ngay tại quán cà phê. Khi đang “phê” shisha thì việc cho thêm các chất kích thích khác vào cũng vô cùng dễ dàng (nếu muốn). Và đó cũng là con đường “đi xa” ngắn nhất có thể nếu giới trẻ không được định hướng về thú chơi này ngay từ lúc mới “chớm” như bây giờ.

Báo cáo của WHO và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, hút shisha một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 - 200 lần khối lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút thuốc lá. Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng cho thấy, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút (nguồn Wikipedia – Bách khoa toàn thư mở).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast